TÂM NGƯỜI HỌC ĐẠO

  • Đăng bởi: Ban Biên Tập
  • |
  • 16/06/2020

Khi học đạo chúng ta quyết tâm đi tìm cầu chân lý thì bất kỳ giờ phút nào, bất kỳ ai cũng là Thiện tri thức của mình. Trong Thập nguyện Phổ Hiền gọi là “Thường Tuỳ học Phật “. Chúng ta phải có tâm này thì sẽ có duyên lành chạm mặt với các vị Thánh, mình sẽ nhận ra và được học những điều sâu mầu. Còn không chúng ta sẽ bị bỏ qua những cơ hội lớn do ngã chấp của mình sanh ra.
Khi học đạo chúng ta ráng khiêm tốn, xem tất cả mọi người đều là bài học tốt nhất cho việc tu tập giác ngộ giải thoát của mình. Tất cả những hoàn cảnh đều là những hoàn cảnh tốt để cho mình tiến thủ công phu, đều giúp cho mình trong việc phá vỡ sanh tử của mình. Thuận cũng học, nghịch cũng học, hay cũng học, dở cũng học. Học để thành tựu cho chính mình.
Thật ra phàm Thánh chúng ta không đủ sức để phân định. Mong người học đạo mở tâm ra sẵn lòng để đón nhận những gì cao quý nhất trong Phật pháp rót vào tâm của mình, để phá vỡ tất cả những trần cấu vô minh mà được giác ngộ giải thoát. Đừng bằng tâm phân biệt so sánh kèm theo ngã chấp vô minh của mình thì rất nguy hiểm cho việc học đạo. Vừa mất Phước vừa mất cơ hội. Phước mất thì không nói nhưng cơ hội lành để nhận những điều hay bị mất đi. Vì trong lòng chúng ta chưa chấp nhận vị này giỏi, chưa chấp nhận vị này hay, không chấp nhận đạo lý của người đó thì chúng ta không theo học được, mà không theo học thì mất cơ hội.
Khi có duyên học đạo với ai chúng ta nên học một cách tận tụy. Nếu chúng ta luôn luôn mở tâm để đón nhận chân lý, như vậy trước sau gì cũng có duyên lành được gặp bậc sáng mắt dạy đạo cho mình. Lúc nào trên bước đường học đạo cả đời còn lại của mình nên mở tâm ra đừng đóng bít. Như vậy ai cũng có thể khai thị cho mình, ai cũng có khả năng là Thiện tri thức của mình được hết. Vì mình đâu có biết được những vị Bồ tát họ muốn thị hiện để thử xuôi thử ngược tâm học đạo của mình. Nếu mình lộ bản ngã của mình ra để rồi chống đối hơn thua, thế là mất duyên lành học đạo.
Trước khi nhận của báu thì mình phải là cái gì?
Bàn tay đó phải là bàn tay cỡ nào mới nhận được châu báu chứ? Cơ thể và tâm thức chúng ta tới đâu mới nhận được đạo lý chân lý !
Nên người học đạo chúng ta phải chuẩn bị gột rửa thân tâm mình thật kỹ lưỡng để đón nhận chân lý, để đón nhận đạo lý từ những bậc Thầy mà chưa biết vị Thầy đó là ai. Nếu không chúng ta sẽ bị lầm hoài. Mình cứ lỡ hết lần này qua lần khác cho đến hết cả đời vẫn không thấy được chân lý, không tiếp nhận được những lời dạy của bậc cao minh thì thật là phí uổng cho cả đời học đạo của chính mình.
Nên nhớ rằng những bậc Thầy sáng mắt họ không bao giờ nuông chìu theo bản ngã của mình. Những cái mình cho là đúng là hay … những chấp trước riêng tư của mình… tất cả đều bị đập phá. Có đau thì cũng phải ráng mà chịu. Vì thói quen chấp ngã nặng nề, dòm ngó người này người khác đã thành tật dính khằn với mình từ kiếp nào rồi. Nếu không thay cũ thì làm sao đổi mới? Nếu một phen không chấp nhận phá bỏ những vô minh chấp trước của mình thì tìm chân lý ở đâu?

(Ghi lại lời dạy của Tôn Sư Thích Tuệ Hải)
Ban Biên Tập chùa Long Hương

Bài viết liên quan