DƯỠNG THÂN DƯỠNG TÂM

  • Đăng bởi: Ban Biên Tập
  • |
  • 24/05/2020

Chúng ta đến cuộc đời này để hưởng phúc lạc chứ không phải đến để trả nghiệp. Phước mình kiểu nào mình sẽ hưởng phước theo kiểu đó. Nghèo thì hưởng phước theo kiểu nghèo, giàu thì hưởng phước theo kiểu giàu. Phước khó khăn thì hưởng phước theo kiểu khó khăn. Phước sung sướng thì hưởng phước theo kiểu sung sướng.

Dù cuộc sống có ra sao thì chúng ta cũng đang trên đường hưởng hạnh phúc mà tạo hoá đã ban tặng cho mình. Một bà Mẹ hiền tạo hoá rất tuyệt vời, rất thương yêu chúng ta! Mình muốn cái gì thì ban cho mình cái đó. Mình muốn hạnh phúc liền ban cho hạnh phúc. Mình muốn bất an liền ban cho bất an. Mình muốn cuộc sống thánh thiện liền ban cho cuộc sống thánh thiện. Cho đến muốn thành Phật liền ban cho thành Phật. Điều này mới nghe qua có nhiều người rất ngỡ ngàng! Nhưng sự thật là như vậy đó!
Có những người thắc mắc “ tôi muốn hạnh phúc giàu sang mà sao lại cứ nghèo cùng đau khổ hoài “ ? Vậy tạo hoá có công bằng hay không?
Xin thưa là rất rất công bằng !
Vì mình muốn hạnh phúc nhưng chưa từng gieo nhân hạnh phúc thì không thể đạt được hạnh phúc! Những điều mình muốn thì hãy xét lại đi, có phải trong lòng mình còn đầy những ích kỷ hơn thua, ganh ghét, phiền hận không? Có khi nào mình sống thứ tha, hy sinh lo lắng cho mọi người và mong mọi người được hạnh phúc thật lòng hay chưa? Nếu mình chỉ mong muốn cho bản thân mình mà chưa từng nghĩ tới hạnh phúc của người khác thì nhân tố ích kỷ ngay trong lòng mình, như vậy làm sao có đủ phước để hưởng hạnh phúc?
Người cho đi sẽ có tất cả, mặc dù họ nằm trên thảm cỏ, dưới gốc cây … nhưng trong lòng họ là ngập tràn hạnh phúc. Hạnh phúc của sự cho đi, hạnh phúc của sự ban phát…cho nên niềm hỷ lạc trong lòng họ là vô cùng vô tận. Đây mới thật sự là người giàu có nhất, trí tuệ và tình thương trong họ là vô cùng vô tận, họ cho hoài vẫn không hết. Càng muốn tặng người khác thì phước báo và trí tuệ phúc lạc lại càng tăng. Cho nên biết cho đi là không bao giờ mất!
Người sống vị tha với lòng bao dung và tri ân luôn nghĩ về người khác và mong muốn cho mọi người được bình an hạnh phúc là bởi trong lòng họ đã ngập tràn phúc lạc. Đời sống của họ chỉ biết cho đi chứ không đòi hỏi, không lấy lại bao giờ. Người này dù mặt chiếc áo rách nhưng hào quang chiếu sáng. Dù họ ngồi một góc không ai biết nhưng hào quang trí tuệ và từ trường lực của họ đã kết nối với chư vị Thánh hiền. Họ đã đóng góp một từ trường thanh tịnh bình yên rất lớn cho hư không vũ trụ này.
Đây mới là đỉnh cao của cuộc sống! Đây mới là đỉnh cao của loài người.
Bây giờ con người của mình rất tạp nham và loạn động, tâm luôn giao động bất an. Dù cho được nằm trên đống vàng nhưng lúc nào cũng lo âu hồi hộp… đầu óc lúc nào cũng trăm phương ngàn kế suy nghĩ thiệt hơn. Như vậy thì đời sống đầy đủ vật chất mà không biết hưởng thụ Phước báo của tâm linh thì đời sống này đâu có ý nghĩa gì?
Cho nên chúng ta phải tập TĨNH TÂM điều này ai cũng nên làm vì đây mới là giá trị đích thực của cuộc sống.
Đỉnh cao của Y học là Dưỡng Sinh.
Đỉnh cao của Dưỡng Sinh là Dưỡng Tâm .
Chúng ta có thể tập nằm hay ngồi ở tư thế thả lỏng hoàn toàn. Điều tối kỵ của Dưỡng Tâm là không được động bất cứ gì trong cơ quan nội tạng của thân lẫn tâm. Dù khởi một ý niệm nhỏ cũng gọi là động thì không phải là nghỉ dưỡng. Như vậy khi mình nằm xuống để nghỉ dưỡng thì phải tập thả lỏng toàn thân, thả lỏng từ đầu cho tới gót chân không được động đậy. Tập làm sao cho toàn thân phải mềm rã lỏng như nước như khí.
Từ các cơ quan nội tạng chức năng cho đến não bộ không được động, để mình nghỉ ngơi ở hoàn cảnh tỉnh tuyệt đối. Lúc rớt vào hoàn cảnh tỉnh tuyệt đối thì mắt không thấy, tai không nghe… ý không suy nghĩ. Lúc này khí thở sẽ không còn là lỗ mũi nữa. Đây là định của Thiền học. Thân khi đó không còn là một khối nữa, khí thở không vào ra ở mũi mà 84 ngàn lỗ chân lông bắt đầu co giãn để trao đổi khí. Khi lỗ chân lông trao đổi khí thì khả năng đào thải trược khí rất tuyệt vời.
Toàn thân này hấp thu và trao đổi khí để nâng tầng tâm mình lên đến một trình độ từ lỏng thành rỗng. Thân rỗng thành khí và nó thông với khí bên ngoài. Khí không còn thì không còn thân “ vô khí thì vô thân” . Vô thân vô khí thì sẽ vô tâm. Vô tâm là đạt đến cảnh giới vô ngã. Đến cảnh giới vô ngã rồi thì trở về bản nguyên thanh tịnh tuyệt đối của tự tâm. Chỉ cần một lần như vậy thôi. Không có thân tâm thì không nói đến chuyện phiền não bệnh tật.
Đây là cảnh giới của Y học, cũng là đỉnh cao của Thiền học và cũng là đỉnh cao của Đạo học. Đạt đến cảnh giới vô ngã là trở về với con người nguyên thủy tròn sáng thanh tịnh của mình .
Đây là chỗ cần phải làm của mọi người chứ không phải chỉ dành riêng cho người tu theo đạo Phật. Nếu ai muốn thọ hưởng cảnh giới phúc lạc giữa trần gian này thì phải một lần trở về với chỗ tận cùng này. Bản chất của mình xưa nay vốn phúc lạc toàn triệt. Cho nên mình phải làm cho thân lẫn tâm mình tan biến trong cảnh giới phúc lạc đó là Chánh kiến.
Hãy tin khả năng đưa chúng ta đến hoàn thiện là mình đã có sẵn từ ngàn xưa nhưng mình không chấp nhận mà mình nhận những cái ích kỷ nhỏ nhen theo chiều ách tắc của tâm thức nên tự mình bó hẹp mình , đúng với câu “ vạn pháp duy tâm “. Mình muốn cái gì thì mọi thứ sẽ theo tâm đó mà hiền hiện. Nếu ngay đây mình chấp nhận mình xưa nay vốn lưu thông không ứ trệ, tập mở tâm mình ra để tha thứ khoang dung, thương yêu độ lượng. Lúc nào trong lòng cũng tràn ngập lòng tri ân và báo ân, cuộc sống còn lại chỉ là sự cho đi chứ không nắm giữ thì cuộc sống của mình sẽ chuyển qua một bước ngoặc mới của thời đại huy hoàng.
Rất mong mọi người sẽ tiếp nhận được sự thật này để tương ưng với tâm tánh bản nguyên vốn phúc lạc thanh tịnh toàn triệt mà chúng ta vốn sẵn có xưa nay.

************

( Ghi lại lời dạy của Tôn Sư Thích Tuệ Hải)
Ban Biên Tập chùa Long Hương

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan