Lược Giảng TẠ ƠN

  • Đăng bởi: Ban Biên Tập
  • |
  • 28/05/2023

TẠ ƠN

 

Bao nhiêu năm phong trần nếm trải

Đắng, cay, ngọt, bùi đủ để yêu thương

Ôi nhân gian sao lắm màu muôn vẻ

Đẹp làm sao nhân thế yêu ơi!

 

Xin tạ ơn những gì đang có

Xin tạ ơn Phật Tổ oai linh

Xin tạ ơn chư vị Thánh Hiền

Xin tạ ơn Pháp giới chúng sanh

 

Xin tạ ơn đất, trời, sông, núi

Xin tạ ơn vũ trụ mênh mông

Xin đa tạ, xin trọng ơn tất cả

Đã cho tôi hương vị cuộc đời

 

Đã cho tôi vị ngọt trần gian

Đã cho tôi niềm đau nhân thế

Đã cho tôi trí tuệ tuyệt vời

Để bây giờ đạo đời tỏ rạng

 

Ánh đạo vàng tỏa khắp nhân gian

Ôi Cực Lạc! Ôi Niết Bàn miên viễn

Ôi thế giới muôn vàn hoa rộ nở

Âm nhạc reo vui khắp chốn nhân thiên

Nếu ai biết Ta Bà vui đến thế

Đạo diệu màu tỏa rạng nghìn thu.

Cuối hạ 2014 Giáp Ngọ 

(Tác giả: Vô Trụ Thiền Sư)

 

Cuối mùa hạ năm nay rảnh rang, từ những gì xảy ra trong đời sống hiện tại này mình ngồi chiêm nghiệm thấy ra nhiều điều. Tất cả mọi cái đều vun bồi tô đắp cho cuộc đời của mình, tất cả những thuận nghịch đều tiêu dung một cách rất ngọt ngào nên làm bài Tạ Ơn.

“Bao nhiêu năm phong trần nếm trải”. Một câu nói có vị chua chát, ngọt bùi của trần gian đầy phong ba bão tố.

Đôi lúc nghiệm lại chúng tôi thấy từ lúc mình về đây làm trụ trì, nếu kể lại năm tháng là một thiên sử ký lạ lùng. Thời này có người hành đạo phải vất vả, phải trả giá bằng xương, bằng máu, bằng sanh mạng thì nói người ta không tin đâu. Nói tôi bị thuốc, bị ám sát kể ra người ta nói mình nói dốc. Những tình cảm huynh đệ khi mình ở trong chùa, chuyện gia đình và cuộc đời mình không bàn. Ở trong chùa, có những người gần như mình cứu sống rất nhiều lần trong cuộc đời của họ, nhưng tới lúc nhu cầu của họ, mình không đền đáp một lần thôi, thì mình liền trở thành kẻ thù không đội trời chung và phải trả những giá rất đắt. Những mùi đó tôi cũng có nếm. Có những chuyện suýt mất mạng. Những chuyện liên hệ với Tăng Ni mà chúng tôi đã gặp, những mùi này không dám nói ra, phải nói nhỏ cho Tăng Ni thôi, có phật tử chúng tôi không dám nói. Phải nói đắng cay cuộc đời này không phải không có đâu. Những phản trắc của thế gian phải nói rằng thua ở trong chùa. Đôi lúc mình nói vậy người ta nói mình bi quan. Chắc có lẽ mọi người gặp thuận duyên, không có “xui” như tôi thành ra không có nếm được những mùi đó.

Tôi nếm đủ phong ba bão tố. Cái cách họ lại nói ngọt với mình, để bữa sau cái đầu mình thiếu điều muốn rơi xuống đất chứ không đơn giản. Cái cách lo lắng của người ta, để rồi sau khi mình gật đầu chấp nhận sự lo lắng đó, là mình có thể ở sâu hơn mười tám tầng địa ngục, khó có thể tìm đường thoát ra. Những mùi đó nếu Phật Tổ không cứu tôi thì không ai cứu được. Phải nói tận cùng câu đó. Cho nên, lúc nào mình còn sống được tôi giựt mình nhìn lại, qua những khúc quanh của cuộc đời không bao giờ tôi nghĩ mình có thể sống thêm một giờ hoặc một ngày. Có đôi lúc mình nghĩ mình chết thiệt sao? Chuyện mình chưa làm nhiều quá mà. Không phải tiếc sinh mạng này, mà những cái mình chưa làm nhiều quá chẳng lẽ mình phải chết ngang đây sao?

Có lần 99, 9 % là phải chết, tôi nhận nhiều tin nhắn điện thoại, nhiều người nói này nói nọ, họ thương mình, họ nói chia sẻ nhưng tôi ức lắm, ức sâu trong lòng mình, mình muốn làm chuyện có lợi cho nhiều người mà không còn đủ thời gian để làm, tại sao mình muốn làm chuyện tốt cho thế gian mà làm không được?

Lúc tận cùng gần như là chết rồi, tôi nhớ lúc đó buổi trưa ngủ mơ mơ màng màng nơi thất cũ, thấy từ góc trời bên kia xuất hiện một đám mây một người mặc áo tràng nâu bay xuống đứng bên cái trống, thêm đám mây bay ra có cái chuông, thêm đám mây thứ hai bay ra có cái mõ, gióng trống dọng chuông. Tôi đứng ứa nước mắt:“Sao không đợi chết xuống chôn luôn đi?!”

Mình biết mọi chuyện sẽ thay đổi sau chuyện đó, nhưng ức lắm. Gần như lúc đó kiệt sức hoàn toàn không còn sức chống đỡ, tôi chấp nhận xuôi tay cho chuyện xảy ra như nó xảy ra. Mình không còn cách nào, mình không muốn sửa đổi nữa, không muốn phân bua, không muốn giải bày gì nữa hết. Tức là buông tay hẳn hoàn toàn để cho phước mình nếu còn, Phật cho mình sống thì mình sống. Lúc đó, từ cánh bên đây người ta đổ về đông lắm, họ mặc áo lạ lắm không như áo tràng mình bây giờ và chùa Long Hương đổi thành cảnh khác. Chúng tôi không bao giờ nghĩ con đường này đông người lên xuống, tới giờ này xây dựng rồi mình mới thấy nó ứng với điềm mộng đó. Mọi chuyện thay đổi 100% như từ cõi chết trở về. Người quật ngã mình là người tôi cứu mạng trên ba chục lần.

Năm 2010, 2011 xảy ra nhiều chuyện. Năm đó tôi đi Mỹ về, chuyến đó bạc đầu ghê gớm lắm. Ở Đà Lạt, Hòa Thượng ngồi trên chiếc ghế tôi lại lễ Hòa Thượng. Ngài nhìn tôi lâu lắm không nói câu nào. Sau đó Hòa Thượng thốt ra một câu: “Sao tóc bạc dữ vậy con?” Tôi cảm động khóc, một hồi hết khóc tôi nói: “Giang hồ hành hạ quá Hòa Thượng ơi”.

Khi nếm trải phong ba rất thấm, nếu mình vùng vẫy thoát ra, mình không dám buông để mọi cái xảy ra đúng như nó thì nó sẽ là sự đối đầu rất dài. Một điều rất lạ trong Phật pháp như vậy.

Khi tôi giảng đề tài Vượt Qua Nghiệp Chướng là cũng xảy ra một chuyện của Tăng Ni. Mình biết người hại mình, biết từng tên từng tuổi từng người một, tại vì mình quản lý họ. Thời đó tôi còn làm Chánh Đại Diện của Huyện này. Khi biết như vậy mỗi đêm tôi đều kêu tên họ bốn người này sám hối liên tục cho họ đúng nửa tháng: “Tại họ không biết con và cũng vì họ ham danh quá nên họ mới làm những chuyện như vậy, xin Phật Tổ tha đừng tính nhân quả này. Xem như con phải trả nhân quả gì đó, tất cả là do lầm lỗi của con trong quá khứ”. Mấy người đó ở trong địa bàn Huyện này. Chức Chánh Đại Diện có gì đâu mà dành, tôi buông bỏ rồi.

Sau nửa tháng sám hối cho một vị Ni và ba vị Tăng thì có một giấc mộng xảy ra với tôi: Tôi đi vệ sinh tự dưng tôi thấy một con rắn xanh lớn lắm cất đầu trên bờ tường, tôi sợ rắn nên chạy vào nhà đóng cửa lại, thì bên kia bờ tường có cây súng bắn lủng tường nhà và con rắn theo lỗ lủng chun vào nhà được. Tôi ngồi trên ghế rút chân lên không được, con rắn chun từ ống chân lên, lú đầu ra ngay ngực, tôi nắm đầu nó thì tự động miệng nó téc dài ra để nó cắn đứt khẩu tay mình. Cuối cùng cũng khống chế được nó, từ con rắn màu xanh biến thành con rắn màu vàng nó xin tha. Tôi nói tha thì tha nhưng cắn ta bây giờ hút độc ra thì ta tha cho, nó nói nãy cắn chưa kịp nhả độc.

Tôi vác nó từ thất ra nhà bếp cũ, lúc đó phía sau là cánh rừng, nó nặng lắm đi một hồi qua tới nhà bếp thì nó mất tiêu. Tôi hỏi mấy người nhà bếp hồi nãy tôi vác con rắn mà giờ nó đâu rồi, họ nói còn con rắn đen trên cổ Thầy. Tới cánh rừng tôi cúi đầu xuống nói với nó: “Tới chỗ an toàn rồi phóng xuống đi”. Khi nó phóng xuống tôi thấy nó ngậm cành dương liễu bằng vàng. Tôi nói nó: “Một thân một mình đi chưa chắc thoát khỏi chỗ này, đưa cái này tôi giữ khi nào cần quay lại tôi trả, mang đi coi chừng người ta giết”. Vừa nói dứt câu đó, từ con rắn làm cái xẹc biến thành Bồ Tát Quán Âm cầm cành dương liễu. Tôi cúi đầu lạy ba lạy, tỉnh giấc.

Xong giấc mộng tôi giảng đề tài Vượt Qua Nghiệp Chướng. Những thử thách, những khó khăn trong cuộc đời này có khi mình nghĩ nó là nghiệp, nhưng có khi không phải là nghiệp. Nhiều khi Phật hoặc Bồ Tát muốn coi mình như thế nào để cho “bài thi” gọi là bán mạng kiểu đó. Gần như bài nào cũng suýt mất mạng, không có bài nào nhỏ.

“Đắng, cay, ngọt, bùi đủ để yêu thương”. Thấm thía cuộc đời nếm đủ hết mùi vị của cuộc sống gần như không có mùi nào mà mình không nếm trải, đến giờ phút này đủ để cho mình yêu thương nó.

Gần như ngay trong giấc mộng chúng tôi chưa hề có một chút phiền hà ai, chưa có chút oán hờn người khác. Điều này tôi phát hiện từ năm 1993 khi được nhập thất mình sạch hết thù hận. Năm đó tôi có nói với huynh đệ Thầy Thông Ngộ, là không biết may mắn sao mà tôi không thù hận ai và cũng không ai làm cho tôi thù hận được, lỡ có ai cắt đứt đầu tôi gắn lại được thì nửa ý niệm thù hận tôi không có. Không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện trả thù trả oán. Đó là điều may mắn cho tôi.

Đã nếm trải tất cả mùi cay đắng cuộc đời, cho tới giờ phút này đủ để cho mình yêu thương họ chứ mình không oán hờn được. Mình thấy người đó bằng tâm xấu ác rình rập mình bấy lâu nay, chuẩn bị hãm hại giết chóc mình mà họ xoay chuyển bằng tâm học đạo thiết tha theo mình từng bước một là chắc người này ngộ đạo rồi. Hoặc đủ duyên để có thể đối diện với mình mà họ hỏi đạo lý thì phước họ lớn lắm, nhưng họ đi nghịch đường, họ theo thù oán, giết chóc, gài bẫy phá phách mình, hiểu như vậy mình thương vì họ bất an, họ đau khổ, họ phiền muộn, bằng tâm đó mà họ đến với mình. Thành ra những cay, đắng, ngọt, bùi đó đủ để mình thương yêu và thông cảm. Gần như mình thông cảm được, hồi xưa nói thì nói chứ không thông cảm nổi, nó cũng còn có gì lợn cợn. Bây giờ mình giả bộ làm ngầu la chơi chứ thực sự không có gì trong đó.

Từ năm 1993 đến giờ là đúng 20 năm rồi, nếu nói có lần nào đó tôi khởi một niệm nhỏ muốn hại người khác là xin thề đọa địa ngục liền. Nó lạ lắm. Khi họ làm gì mình, mình biết hết tất cả mọi chuyện, nhưng rồi thôi, tự đâu nó tiêu tán không có chuyện hận thù. Không bao giờ trong đầu lên kế hoạch trả đũa ai. Nó tan ở đâu đó, thật là phước của mình. Chỉ có là có đủ tình thương để thương người khác, chứ chuyện oán hờn thì không có. Đó là nhờ ơn Phật. Cho nên mình mới nói tạ ơn được. Các Ngài đã gìn giữ bảo bọc mình một cách trọn vẹn ở trong Phật Pháp, để mình không khởi niệm oán hờn bất kỳ ai trong suốt nhiều chục năm.

“Ôi nhân gian sao lắm màu muôn vẻ”. Thế gian này không có đơn giản, không có cái gì đơn giản và không ai đơn giản. Khi mình thấy sự phức tạp nơi mình rồi thì thế gian nó ứng hiện gần như không thiếu sót thứ gì. Ngược lại, tất cả phức tạp của thế gian này mình không thiếu đâu. Cho nên không trách ai được, họ xấu một, mình có thể xấu hơn mười. Mình đã từng làm những việc đó mấy chục kiếp về trước rồi, đời này mình không làm chứ đừng nghĩ mình tốt. Mình không tốt cái gì hết. Thiên hạ xấu cỡ nào, mình xấu cỡ đó. Cho nên tôi hay nói chơi với một số người thân, chuyện thấy trước mắt, tin một phần trăm cũng coi chừng bị lầm. Thấy như vậy nhưng thực sự không phải như vậy. Con người ta ở thế gian này rất phức tạp, mình không thể dùng từ nào mà nói cho hết được. Lắm màu muôn vẻ. Một câu nói của người ta, mình tin ngay chỗ đó cũng không còn đường để mình sống. Tất cả những thứ gọi là chân tình, nhìn lại thiệt là lắm màu muôn vẻ. Thành ra khi xảy ra bất trắc đối với mình không có gì bất ngờ, tại nó vốn là như vậy. Mỗi người một màu, mỗi người một vẻ.

“Đẹp làm sao nhân thế yêu ơi”. Nếu mỗi người một màu thì rất đơn giản. Một người không biết bao nhiêu ngàn màu nên rất phức tạp. Nhờ vậy mà nó điểm tô nhân gian này thành đẹp. Cho nên đủ sức ngắm nghía nó thành rừng hoa rực rỡ trước mặt mình.

Sâu trong lòng mình thị phi để chê trách ai đó, mình cũng không làm được. Thấy thì thấy đúng, thấy sai, thấy hết không có sót ai, nhưng để mà chê trách phiền hà là không có. Đó là điều rất lạ, không biết nó có từ lúc nào. Cho nên, mình thấy đó là vẻ đẹp của cuộc đời, nó điểm tô cho cái gì gọi là cuộc sống này, điểm tô cho trần gian này.

Phút giây này mình thấy nó đẹp được, thấy nó dễ thương được. Mình chia sẻ được, mình thông cảm được tất cả những điều trong cuộc sống này, mình thương được, thành ra phải thể hiện trọn vẹn sự tri ân của mình trong cuộc sống.

“Xin tạ ơn những gì đang có”. Làm được điều gì cho người ta vui thì gần như mình không từ chối được. Thuận cũng được, nghịch cũng được, đúng cũng được, sai cũng được, hay cũng được, dở cũng được, cúi đầu tạ ơn một cách thành khẩn chứ không phải là lời đầu môi chót lưỡi nữa.

Lúc này là phải xúc động tri ân thật sự. Những thứ có cho mình đều là điểm tô, đều là bù đắp xây dựng, đều là chỉn chu cho đời sống mình. Những chuyện thuận, nghịch tới giờ phút này mình mới thấy nó hay, thực sự là hay! Cho nên, trên bước đường học đạo của mình, thuận mái xuôi chèo mình học không có nhiều. Giữa trần thế này, mình học để tiêu dung một cách tự tại. Mình thấy cái gì cũng hay, cái gì cũng đẹp, tất cả mọi người đều là thiện tri thức đến để dạy mình. Vì mình chưa đủ họ đến để cho mình làm tròn. Đó là điều mình phải thấy ra trong cuộc đời này. Thấy bằng sự rung động biết ơn.

Mình nói mình đã thỏa mãn hết tất cả mọi điều thì chắc chắn không ai tin, nhưng không có việc gì mình cần cầu cho riêng mình, đủ rồi không còn thiếu.

“Xin tạ ơn Phật Tổ oai linh”. Người mình cúi đầu tạ ơn là Đức Phật. Nhờ giáo lý của Đức Phật, nhờ mình học Phật trong nhiều đời nhiều kiếp, được nung nấu công phu tu tập, được Phật Tổ dạy dỗ, cho nên bây giờ mình mới nếm được hương vị đạo lý thuận nghịch của trần gian.

Nó trở thành hương vị đạo lý thực cho đời mình. Nó vừa đẹp, nó vừa hay, nó vừa tuyệt vời, để nó vun đắp cho cả cuộc đời còn lại trong cuộc sống của mình. Cho nên, người đáng đảnh lễ tri ơn đầu tiên là Đức Phật.

Và tôi biết chắc một điều, ai không tin nhưng tôi phải tin, không có phút giây nào chư Phật không biết tất cả những hành động, cư xử dù nhỏ nhiệm nhất trong tâm của tôi. Cho nên, xảy ra bất trắc trong đời sống này, mình tin chắc Phật biết, nên tôi có chết Phật cũng biết tôi chết kiểu gì.

Có những chuyện khó khăn nhất mà mình không có khả năng đủ sức giải quyết, tôi nói: “Phật thấy rồi đó, chuyện này con qua không khỏi”. Mình chấp nhận buông tay để cho Phật xử thì tuyệt vời. Tôi tin chắc sự oai linh của Phật Tổ. Không có giây phút nhỏ nhiệm nào trong đời sống của tôi mà không có Phật. Lúc nào mình cũng biết có sự gia trì của chư Phật, có sự thấy biết của chư Phật, nên mình đủ lòng tin, mình cúi đầu tạ ơn để thể hiện sự tôn kính của mình và sự linh thiêng của chư Phật mười phương.

“Xin tạ ơn chư vị Thánh Hiền”. Ngoài chư Phật ra thì chư vị Bồ Tát, chư vị Thánh Hiền luôn luôn rõ biết những việc mà mình đang có và luôn luôn gia trì cho tất cả những việc mình đang làm đúng với Chánh Pháp. Không đúng Chánh Pháp các vị cũng chận đường, chận ngõ, dí mình quay trở lại. Có người nói sao Thầy không tính? Tôi nói:“Để Phật tính”. Nói sao Thầy liều mạng? Tôi nói:“Tôi giao mạng cho Phật chứ tôi đâu có liều”.

Cuộc đời tôi, Phật cho tôi sống thêm một ngày là tôi sống thêm một ngày. Phật kêu tôi chết, tôi không có nửa lời từ chối. Ví dụ, đang ngồi đây kêu một phút nữa chết nghe con. Dạ! Chết liền, không hề suy nghĩ, tức là sẵn sàng chết cho Phật 100% chứ không bớt giá nào. Cho nên, tất cả việc làm của tôi ở đây, hay ở đâu đi nữa, tôi tin chắc có Phật, có Bồ Tát, có vị Thánh Hiền luôn luôn rõ biết những suy nghĩ hành động, dù nhỏ nhất trong cuộc đời này của mình. Thành ra mình giao hết cuộc đời này cho các vị. Mình chỉ là bàn tay nối dài để làm điều gì đó cho trần gian này thôi.

Ơn chư Phật từ lúc mình sinh ra cho tới khi mình lớn lên, đưa mình vào đời, đưa mình vào đạo để mình phải học những cái thuận nghịch trong cuộc sống này, đều bên sau là sự bảo bọc của chư Phật. Phút 99 mất mạng thì phút 100 Phật ra tay giúp một chút để cứu sống lại, rồi cho chuyện khác nữa.

 Tôi nói cuộc đời mình gần như là được Phật thương lắm. Những gì mình muốn trong Chánh pháp gần như được hết. Muốn hiểu cái gì, muốn học cái gì sâu nhất, Đại thừa hay Tiểu thừa trong thời gian ngắn là tự động tôi có đủ không thiếu cái gì, tôi hiểu tới chiều sâu nhứt của nó. Muốn học cái gì có cái đó trong Phật đạo. Một điều rất lạ, tôi muốn gặp ông thầy nào dù ở đâu tôi cũng gặp. Ông nào nổi tiếng dù ở đâu tôi tác ý là gặp, không phải là gặp trong giấc mộng. Tất cả công phu của Thiền định tôi muốn đi theo kiểu nào, tự động tôi sẽ tới chỗ đó.

Gần như tác ý trong việc hành đạo là Phật thương để dành cho mình sẵn kho tàng, mình khều khều là ra. Cho nên, lòng tri ơn Phật Tổ không còn câu nào để nói. Sẵn sàng đi bằng đầu gối khắp hằng hà sa số kiếp để lạy tạ ơn Phật mình sẵn sàng làm, không lúc nào mình có thể quên một chút. Sống không phải mình phát nguyện phát tâm nữa, mà gần như mình sống trọn trong Tam Bảo. Ở nguyên trong đó và mình biết chắc không đời nào mình có thể đi ra được, không đời nào mình có thể sống khác được. Nguyện đi đâu trong tất cả việc làm của mình, trong tất cả các cõi chỉ là chuyện của Phật đạo chứ không còn chuyện khác nữa.

Các vị Thánh Hiền cũng phò trợ, cũng giúp đỡ, cũng nâng chân đỡ bước mình, phụ kè mình trong những khúc quanh khó khăn nhất. Đi hết nổi, đứng hết nổi, các vị đưa tay kè qua một đoạn. Những khúc quanh cuộc sống này mình biết chắc chắn có đầy đủ các vị Thánh Hiền, các vị Long Thiên Hộ Pháp.

Phút giây trọn vẹn tin Tam Bảo rồi, mạng này không còn riêng của mình và không cần phải giữ theo kiểu tâm chúng sanh, quên đi, đừng bao giờ bảo thủ cái thân bằng tâm hiểu biết của mình, buông đi cho Phật, quý vị sẽ thấy đời sống mình hay lắm. Khi chấp nhận bỏ mạng cho Phật đạo, là bước chuyển lớn cho cuộc đời của mình và từ đó mình sống trọn trong đó, không có cách gì lôi mình ra được, quý vị mới thấy cuộc đời mình hạnh phúc.

Đời đời kiếp kiếp không ai tháo gỡ mình ra được, mình thấy chắc con đường đi của mình như vậy, thấy một cách rõ ràng như thấy cái bàn trước mắt, không ai làm lung lạc tâm đối với Tam Bảo của chính mình.

“Xin tạ ơn Pháp giới chúng sanh”. Tất cả chúng sanh muôn loài trong mười phương pháp giới đối với mình là người ân. Không chỉ trong một đời này, mà hằng hà sa số kiếp họ đã từng là cha, là mẹ, là người ơn, đã ẵm bồng, nuôi nấng, dạy dỗ, dìu dắt mình đi vào các cõi, cũng rủ mình đi vào địa ngục nữa, cũng rủ mình xuống súc sanh, cũng rủ mình đi vào ba con đường xấu, cũng kéo mình lên cõi Trời, cũng đưa mình tới A tu la. Họ đều là bậc ân sư, là thiện tri thức dìu dẫn mình đi khắp trong lục đạo luân hồi. Hay khác đi, họ là bậc đại ân nhân, là cha, là mẹ của mình mãi mãi những kiếp sanh tử trước cũng như về sau.

Nếu tâm mình đối với chúng sanh, nó khác tâm mình đối với cha mẹ mình, là mình chưa phải người sáng mắt. Những chuyện đáp đền qua lại trong nhân gian này, mọi người đều cho mình tới đây vì nghiệp, vì nhân quả. Nó cũng có gì đó dính một chút nghiệp, dính một chút nhân quả, nhưng tôi nói: “Tôi tới đây vì sự báo ân”. Vì những cái ân tôi chưa báo được trong nhiều kiếp, thành ra chủ nợ tôi tới kiếm, giờ nào tôi trả giờ đó, đòi kiểu nào tôi trả kiểu đó, không bao giờ từ chối. Ai không đòi thì thôi, chưa chắc họ không đòi mình đời này và đời khác họ không đòi đâu. Thành ra, khi tôi tới, tôi xuất hiện trên thế gian này là để đền đáp những bậc ân nhân mình đã có trong Tam giới này, đã có với mình ngàn kiếp.

Không phải tôi tới đây vì nghiệp, không phải vì nguyện, không phải vì nhân quả, tôi đến vì tôi muốn đền ơn, tôi muốn báo ơn cho thế gian này, cho Tam giới này. Sâu trong lòng mình không có ai không phải là ân nhân, không có ai không phải là bậc thiện tri thức, không có ai không phải là thầy của mình. Lúc mình bình tĩnh ra mình sẽ thấy hết điều đó.

Sống gần như không sợ ai là kẻ thù, ai cũng là người ơn của mình, họ tới không đòi kiểu thuận thì họ đòi kiểu nghịch. Họ năn nỉ lấy tiền mình đưa, hoặc họ xin mình đưa, hoặc họ dọa mình đưa, hoặc họ giựt mình đưa, đều là chủ nợ tới lấy. Không ai xấu hết, nếu mình không nợ thì đâu ai lấy cắc xu gì của mình. Có nợ họ mới lấy được.

“Xin tạ ơn Pháp giới chúng sanh”.  Thành ra, tôi nói một cách sâu sắc nhất trong đáy lòng mình rằng: “Tất cả chúng sanh là đại ân nhân thực sự, không còn gì khác hơn trong lòng mình nữa”.

“Xin tạ ơn đất, trời, sông, núi. Xin tạ ơn vũ trụ mênh mông”. Nếu không có khoảng hư không này thì mình không thể sinh hoạt tới lui đi đứng được, không có không khí mình không thể hít thở được, không có hơi ấm mình không thể tồn tại được.

Đất, nước, gió, lửa đang nuôi nấng, chăm sóc, đang đùm bọc, đang gìn giữ mình, đang chở che, đang vỗ về mình trong suốt cuộc sanh tử cho tới giờ phút này và mãi mãi và những kiếp tới nữa. Mình thọ dụng cái gì trong Tam giới và trong vũ trụ đều là ân nhân của mình.

Ví dụ mình nhìn đọt non của một cành lá mới trổ ra, lá non nó đang lung linh trước ánh nắng ban mai, nếu mình nhìn nó là một đọt non thôi thì nó bình thường lắm. Nhưng nếu mình đủ tinh tế thấy đọt non đó đang hấp thu không khí, nó đang hấp thu nước, đang hấp thu ánh nắng mặt trời. Tất cả tinh hoa của vũ trụ gom vào chồi non nhỏ đó, nó đáp đền vũ trụ này là nó nhả oxy và mình là người trực tiếp đón nhận khí đó, thì nó là bậc ân nhân đang cung cấp dưỡng khí để cho mình và các loài động vật sinh sống trong cõi giới này. Nếu mình thấy được sâu như vậy thì cái gì cũng là ơn nghĩa của mình.

Đi trên mặt đất này mình có bao giờ nghĩ ơn nó đâu. Nó không có chở mình thì mình đâu có đi được. Mình ngồi trên ghế hay ở bất kỳ cái gì nó cũng nâng chân đỡ bước mình. Mệt mỏi thì ngã xuống cái giường, ngã xuống cái võng, hay ngã xuống cái ghế, nó nâng đỡ mình. Khát thì có nước để uống, đói thì có cơm để mình ăn. Tất cả những cái của vũ trụ, của đất trời sông núi này nó nuôi nấng bù đắp cho cuộc sống mình trọn vẹn. Mình ở đây và mãi mãi những đời kiếp khác mình cũng phải thọ nhận. Thành ra đời sống của mình là một đời thọ ơn. Nếu mình không dốc lòng đền ơn và báo ơn thì mình mắc nợ, vì từng khoảnh khắc là mình thọ nhận.

Ví dụ ngồi đây mình hít thở được là nhờ không khí bên ngoài, mình nhúc nhích sinh sống được là nhờ khoảng không trống này, tức là mình đang vay mượn. Không có cái gì trong vũ trụ này không là ân lớn của mình. Mình sống tí xíu thôi là mình thọ nhận hằng hà sa số ân đức rồi. Vũ trụ này đã ban không, cho không mình tất cả mọi thứ, mọi điều không hề có một chút tính toán. Mình hít thở sáng giờ bao nhiêu lít khí rồi? Hư không có tính giá tính tiền mình không? Ngày nào cũng vậy, nếu tính từ nhỏ đến lớn là nhiều lắm. Mình lạnh được ánh nắng làm ấm lên. Đang nực gió thoảng qua cho mình mát. Mình được ăn không, uống không, ở không trong vũ trụ này. Mình sanh ra là được hưởng cho tới lớn và cho tới chết đi, vậy mà không ai biết cúi đầu tạ ơn thì thiệt là trí tuệ chúng ta chưa có thông. Khi mình thông rồi thì không có cái gì mà không đền ơn. Cho nên, không phút giây nào mà mình không thể hiện sự biết ơn và đền ơn vũ trụ. Nếu không chúng ta sẽ bị lỗi với tất cả những thứ đang xảy ra giữa cuộc sống này.

Chúng ta luôn luôn thọ nhận mà chúng ta không biết. Chúng ta quên đi cội nguồn sống, quên đi Tổ Tông, quên đi Ân Nghĩa. Sở dĩ chúng ta chưa có đời sống bình yên là chúng ta đang “vong ân bội nghĩa”. Những người đó luôn luôn bất an không bình yên được đâu. Khi chúng ta thấu hết mọi chuyện trong vũ trụ mênh mông này; trời, đất, trăng, sao, những động vật, thực vật, chúng ta phải thọ nhận bằng tất cả chân tình, thành tâm và đầy đủ lòng tri ân thì chúng ta hy vọng mình là người biết sống.

“Xin đa tạ, xin trọng ơn tất cả”. Mọi điều, mọi thứ đến với mình trong cuộc đời này, mình cúi đầu xin đa tạ và trọng ơn một cách thành tâm. Một lần bất chợt mình cúi rạp ở nơi đâu đó nơi phòng riêng của mình, ở nhà của mình, ở chánh điện, ở giữa cánh rừng, ở bãi tha ma, ở rừng sâu, ở trên núi, trên biển, chúng ta nên đảnh lễ tạ ơn bằng tất cả tâm thành của mình. Ai trong đời có lần xúc động tri ơn đó mới thấy giá trị đời sống thực của chính mình.

Ở vũ trụ này, nếu mình thấy cái này còn xấu, còn ảnh hưởng, cái kia nó làm hại mình, nó lấy đi cái gì của mình, nhìn lại thì mình có gì đâu mà lấy, mình lấy của người ta còn chưa đủ, mình cảm giác thấy còn thiếu nên lấy nữa. Mình có gì trong cõi này mà lấy. Mình tới đây hai bàn tay trắng bây giờ mình có quá trời. Mình mượn của người ta rồi cho là của mình rồi thủ mà cứ ngày ngày phập phồng sợ mất.

Ngay cả cái thân này chưa phải là của mình. Mình mượn đất, nước, gió, lửa để mình sống. Mình vay mượn đủ thứ kiến thức trên trần gian này để thành cái hiểu biết của mình, chứ mình có cái gì. Tất cả đều là của vũ trụ mênh mông và của pháp giới này. Mình đang mượn để mình xài nên mình phải khẩn thiết tri ơn bằng tất cả lòng thành kính tri ơn.

“Đã cho tôi hương vị cuộc đời. Đã cho tôi vị ngọt trần gian. Đã cho tôi niềm đau nhân thế. Đã cho tôi trí tuệ tuyệt vời”. Thực ra tôi nhờ giang hồ hành hạ nhiều quá cho nên học rất nhiều bài học quý hiếm mà sách vở không có đâu. Những cái đó nó mở thông cho tôi nhiều chuyện trong cuộc sống lắm, để mình thấy mọi chuyện không phải thấy vậy nó như vậy đâu, mà thấy thấu đằng sau cái như vậy nó không phải như vậy. Nó là chuyện kỳ cục, phải không phải, quấy không quấy, đúng không đúng, mà sai không sai. Thấy hết phải, trái, đúng, sai thì mới thấy tới bề trái của nó.

Cuộc đời này cho mình thấy đủ hết mọi điều rồi. Chính nhờ như vậy mà đối với đạo cũng sáng tỏ, đối với đời cũng tỏa rạng. Không còn có gì có thể lầm lẫn trong đời sống đạo lý. Nếu nói học đạo để tìm thêm cái gì, gần như mình rõ thông không lầm lẫn, để mình sẵn sàng đi cho tới ngày thành Phật thì biết không bao giờ lệch. Không phải trong cuộc đời này, mà biết chắc rằng những đời kiếp khác, nếu bỏ thân này tiếp tục đi nữa trong Tam giới thì dù chúng tôi có đi cõi nào tôi chắc chắn không bao giờ lệch đạo. Xuyên suốt từ đây cho tới khi thành Phật mình thấy rõ con đường để mình đi. Nếu ai đủ sức theo tôi suốt từ đây cho tới ngày thành Phật, thì quý vị thấy là không bao giờ lệnh nửa bước. Đó là điều tôi chắc chắn kể từ khi mình thấy rõ mọi điều.

Khi mình có trí tuệ thấu hiểu hết thế gian này, không đơn giản hiểu cuộc sống con người.“Thế giới ba ngàn giấc phù âu. Ảo hóa hư không thoảng hương qua”. Hiểu thế gian là phải hiểu chừng đó. Hiểu người này đúng, người kia sai, hiểu người này phải, người kia quấy là không phải. Phải thấy rõ nó là cái gì. Chúng tôi thấy rõ hết mọi điều.

Nhờ sự đào luyện của chư Phật, chư Đại Bồ Tát, chư vị Thánh Hiền, nhờ sự dạy dỗ bảo bọc tất cả chúng sanh muôn loài, từ hằng hà sa số kiếp của mình cho tới giờ phút này. Nhờ các vị ân sư, các vị đại Thiện tri thức đã chém mình, đã chặt mình, đã hại mình, đã nuôi nấng mình, họ dạy hết những gì trong nhân thế, để tới bây giờ mình có được kiến thức. Không phải học trong mấy chục năm cuộc đời này đâu. Trải qua hằng ha sa số kiếp, để bây giờ trí tuệ mình có thể soi thấu hết mọi vấn đề. Đối với đạo lý, đối với trần gian, đối với nhân thế, đối với tình người gần như cho mình đủ hết.

Các vị Bồ Tát, các vị La Hán, các vị Long Thiên cõi Trời, các vị địa ngục, từ con thú dễ thương ở trong nhà, cho tới con thú dơ bẩn ở các cõi, ai cũng dạy dỗ mình, ai cũng cho mình học không thiếu cái gì. Ngay cả giòi tửa mình cũng học kiếp đó. Bây giờ nhìn trong nhân gian, trong lục đạo luân hồi này mình thấy hiểu và thông cảm tương thông, mình sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng yêu thương và tri ơn họ không sót ai.

“Để bây giờ đạo đời tỏ rạng”. Đối với đời mình thấu hiểu bề mặt và bề trái cuộc sống con người. Con người và tất cả các loài, tất cả các cõi mình hiểu được và tương thông được. Đạo lý thì tu không bao giờ dừng lại bất kỳ ở đâu. Nói tìm cầu thêm cái gì thì mình chưa có nhu cầu. Ngang đây vẫn tiếp tục hành đạo, đền ơn và báo ơn cho tới khi xong việc. Chừng nào tôi báo ơn hết tất cả chúng sanh muôn loài thì lúc đó mới xong việc của mình.

Lúc báo ơn khắp tất cả chúng sanh muôn loài xong rồi, lúc vị nào ở đây cũng thành Phật hết thì lúc đó mới gọi là báo ơn xong. Thành ra mình đi trong Tam giới này không biết tới lúc nào! Bây giờ đạo đời tỏ rạng tương thông và có thể làm tất cả những gì cho nhân gian theo nhu cầu Phật đạo, mình có sức để có thể làm được rồi!

“Ánh đạo vàng tỏa khắp nhân gian”. Ánh sáng Phật Pháp bắt đầu tỏa rạng, nó đủ sức soi sáng được thế gian này. Từ lúc nhận chân đạo lý đó, đủ có thể làm cho người ta giác ngộ, đủ có thể làm cho người ta đi đúng với Chánh pháp, đủ có thể làm lợi ích cho nhiều người.

“Ôi Cực Lạc! Ôi Niết Bàn miên viễn”. Đối với Cực Lạc và đối với Niết Bàn nó không còn khó khăn với mình nữa. Dù mình đang la lối như vậy cũng ở trong Cực Lạc. Mình đang nhảy múa reo ca, đang chạy, đang ngồi, đang đứng, đang la vẫn ở trong Niết Bàn không có rời. Nói, la, hét kiểu nào cũng đang ở trong Niết Bàn.

Nơi nơi, chốn chốn, chỗ chỗ đều là Cực Lạc, đều là Niết Bàn, không có gì khác hơn được, không ai có thể làm khác hơn được trong tâm của mình. Không thể diễn tả, trong đời sống đó mình làm gì nói gì nó cũng đang ở trong đó. Tức là không bao giờ rời được cái bất sanh bất diệt, không bao giờ rời được cái phúc lạc vô biên đang có. Không bao giờ đánh mất được. Đây là điều đặc biệt. Cho nên mình thốt lên bằng tâm phúc lạc: “Ôi Cực Lạc! Ôi Niết Bàn miên viễn”.

Chuyện đó, từ bây giờ cho tới ngày thành Phật là gần như không rời xa được. Ở trong đó không cách nào ra khỏi Cực Lạc, không cách nào ra khỏi Niết Bàn. Chỉ là Cực Lạc và Niết Bàn, mãi mãi cho tới ngày thành Phật, không bao giờ khác được.

“Ôi thế giới muôn ngàn hoa rộ nở”. Ai ở tâm trạng đó mới thấy khắp thế giới này, khắp pháp giới này đâu đâu cũng rực rỡ hương hoa. Ở đâu cũng đẹp, ở đâu cũng xinh, ở đâu cũng là hương thơm ngào ngạt. Sống ở đâu cũng đầy lòng tri ơn báo ơn, ở đâu cũng đầy tình yêu thương quý kính của chính mình, không còn chuyện thứ hai.

“Âm nhạc reo vui khắp chốn nhân thiên”. Lúc nào đời sống cũng là bản nhạc reo ca từ cõi này cho tới cõi chư Thiên. Ở tâm trạng đó thì việc này sẽ xảy ra. Còn tâm trạng khác thì hoa không thể nở rộ khắp nhân gian được. Còn tâm trạng khác thì âm nhạc không thể reo ca được. Cả cuộc đời là bản nhạc reo vui. Không phải riêng của chính mình mà là một sự hòa điệu giữa âm nhạc và vũ trụ này. Toàn vũ trụ là bản hòa tấu mênh mông.

Nếu mình biết điệu nhạc của vũ trụ này để mình hòa, thì bản hòa tấu mênh mông khắp pháp giới này là cái gì đó tuyệt trần không thể diễn tả được. Chúng ta phải là nhạc sĩ thật giỏi để có thể hòa điệu âm nhạc reo vui với cõi nhân, thiên, với vũ trụ mênh mông. Những nhịp điệu rung động của vũ trụ này, những nhịp điệu sinh học chúng ta hòa điệu được để chúng ta reo ca trong đó. Chúng ta hòa vui trong đó. Chúng ta múa hát trong đó. Đây không phải là một sự tưởng tượng. Đây là một thực tế trong cảnh giới tâm.

Khi mình đầy đủ thấy biết đạo lý thế gian. Khi mình nhận rõ sự thật mọi thứ. Khi mình thể hiện trọn vẹn đời sống tri ơn và báo ơn của mình thì mình sẽ có đời sống này. Đây là đời sống thực không phải là chuyện phù du huyễn ảo. Một sự thật đang xảy ra. Nếu tất cả hành giả đạt tới cảnh giới này chúng ta sẽ thấy được nhân gian muôn hoa rộ nở.

Lúc nào hoa cũng nở. Mỗi mỗi khi mình thấy thì nó là đóa hoa thực của loài người. Loài người là một rừng hoa. Động vật, thực vật cũng là hoa. Hư không, vũ trụ này cũng là hoa. Thế giới mênh mông này rực rỡ hương hoa, không phải mù tối đáng chán đáng buồn nữa.

Lúc đó một điều rất kỳ lạ trong đầu mình luôn luôn rộn rã như là bản nhạc ca. Lúc nào nó cũng có sự rộn ràng. Một phúc lạc hiện hữu nơi tâm không thể diễn bày bằng ngôn ngữ người phàm được. Khắp thế giới này đi đâu, ở đâu, ngủ hay thức cũng rộn rã tươi vui lạ kỳ lắm! Đạt tới cảnh giới đó, chúng ta mới thấy là nhân thế này quả là Cực Lạc và Niết Bàn là đẹp!

“Nếu ai biết Ta Bà vui đến thế. Đạo diệu màu tỏa rạng nghìn thu”. Ta Bà này không có chút gì buồn. Mình thấy khác, thấy sai sự thật cho nên mình buồn. Và đạo diệu màu tỏa rạng nghìn thu.

Bài viết liên quan