HIỆN TIỀN LÀ VÔ DƯ Y GIẢI THOÁT

  • Đăng bởi:
  • |
  • 14/12/2024

HIỆN TIỀN LÀ VÔ DƯ Y GIẢI THOÁT

Thực sự là khi nào sâu nơi lòng mình không muốn mình là cái thứ gì nữa một lần… Thật thẳm sâu nơi tâm hồn, mình có không muốn mình là cái thứ gì, mình có không muốn mình là gì nữa không? Nghiệm lại đi coi mình có một lần nào như vậy không? Không phải là chán, nhưng tôi không muốn là thân, tôi không muốn là tâm, tôi không muốn là hiểu biết, không muốn là nhận định, không muốn là kiến thức, không muốn là công phu, không muốn thành tựu, không muốn chứng, không muốn đắc, không muốn gì hết không?

Chúng ta chưa một lần, mình không muốn cái này nhưng mà vẫn còn muốn cái kia! Kha kha kha …..!

Hết đi cái “muốn” mới được! Không còn cái gì để có thể “muốn”! Tức là một lần thực sự ở trong đời, nơi tâm mình không còn “muốn” duy trì bất kể một cái gì nữa, thì lúc đó bản ngã nó mới biến!

Như mình động, mình thấy bất an nên mình muốn tịnh. Rồi giờ ngồi thiền thì muốn định. Ngồi xuống vắt chân lên, lắc tới lắc lui cho nó định một cái coi. Kiểu gì cũng muốn định. Rồi tâm nó loạn, nó động, bây giờ muốn an, muốn yên. Muốn cho đừng có khởi niệm thì cũng là cái muốn. Mà thực sự không còn cái gì để muốn và không muốn cái gì nữa. Ở đây phải thấy có hai cái , tức là không còn cái gì để muốn và không muốn cái gì nữa và cái người muốn cũng không có luôn!

Không có người muốn và “không có điều gì để muốn ! Khi nào mình thấy là mình ở trong trạng thái đó thật, khi nào mình thấy mình không muốn được cái gì nữa, không có cái gì để mình muốn và không cả cái người muốn , mà cũng không muốn được gì và thực sự là mình cũng không muốn được gì ! (chứ không phải chỉ là mình không muốn gì! )… Khi mà mình “không muốn được gì,” mình “không làm được gì” thì khi đó là “mình” sẽ “mất”! Còn mình vẫn “làm được cái gì” thì mình vẫn còn muốn duy trì cái ngã! Đây gần như là công thức!

Nếu mình thấy mình có thể là gì, mình có thể là cái gì, mình còn có thể khẳng định được, mình còn có thể phủ định được, mình còn có thể nhận định được, mình còn có thể nhận hiểu được, mình còn có thể nhận thức được, mình còn có thể nhận biết được, mình còn có thể khái niệm được thì là mình còn muốn duy trì bản ngã!

Cho nên, nhiều lần tôi nói giảng không cho hiểu, vì hiểu là muốn duy trì bản ngã! Hiểu là “mình” hiểu! Vậy lúc dụng công là mình phải trở lại cái chuyện này! Cái mà tôi vừa đọc, cái đó giống như là câu thần chú.

Mình còn muốn nhận định, mình còn muốn nhận thức, mình còn muốn nhận hiểu, mình còn muốn khẳng định, mình còn muốn khái niệm, mình còn muốn có kiến thức, mình còn muốn chứng, mình còn muốn đắc, mình còn muốn lấy, mình còn muốn bỏ, mình còn muốn cái gì, dù bất kỳ cái gì mà mình muốn thì đều muốn duy trì bản ngã!

Còn muốn bất kỳ cái gì là còn muốn duy trì bản ngã! Vậy thì bây giờ mình sẽ không còn “muốn” nữa để mình tỏ thái độ là mình không muốn duy trì bản ngã này! Và không muốn duy trì bản ngã là hoàn toàn không có cái gì để muốn! Và không còn cái gì để muốn một đoạn thì tự động mình sẽ
không muốn được cái gì!
Đến lúc mà mình không muốn được cái gì, mình không còn muốn cái gì nữa và cũng không thể muốn được… thì lúc đầu là mình không muốn cái gì, nhưng sẽ đến cái đoạn là mình không muốn được, không có muốn được nữa, mình bị “bất lực”!

Không muốn duy trì bản ngã và vượt ngoài thân tâm. Cho nên lúc đầu mình không muốn thì như một sự xả ly. Nhưng tới một đoạn mà trạng thái tâm của mình là bây giờ mình không muốn duy trì bản ngã , thì bản ngã nó tự biết mất! Và cái khoảnh khắc mất bản ngã là khoảnh khắc mình không có muốn được nữa! Không muốn được nữa mình “bất lực”! Mọi thứ đều tỏ rõ mà không có động đậy gì được hết! Hoàn toàn không còn khả năng để làm bất kỳ cái gì, từ thân cho tới tâm!

Ví dụ ngay lúc đó con mắt mình mở trừng thì nó sẽ mở trừng luôn. Tới 8 ngàn năm thì nó cũng vẫn trừng như vậy hoài. Nếu mà con mắt mình nó nhắm thì 8 ngàn năm sau nó vẫn nhắm như vậy. Tại vì không có làm cái gì khác được! Lúc đó chúng ta không thể khác được từ thân cho tới tâm! Đây là một điều rất kỳ lạ.

Khi mà mình không làm cái gì được là mình như bị trời trồng, như bị đứng hình. Và như vậy là một niệm tưởng cũng không sinh được nữa! Nhưng ở đây không phải là mình nhập định đâu! Phải nói để chúng ta biết rằng đây không phải là một trạng thái nhập định. Mà là do mình đã hiểu biết, nhận định đến chỗ vượt ngoài thân tâm này, đến chỗ mà không còn dính tới thân tâm này, tức là mình đã thấy, đã nhận biết, đã nhận định rất là đúng về chuyện đó rồi.

Khi mình thấy, mình nhận định đúng rồi thì chuyện đó tự động xảy ra với tâm của mình! Còn mình thấy lệch một chút là nó không xảy ra!
Cho nên tôi dùng từ “thấy đúng là sống đúng”, là như vậy đó! Khi mình thấy đúng thì chuyện đó xảy ra đúng với cái đang thấy!

Nó cũng trở lại cái Thực Tại Hiện Tiền y như vậy đó. Tức là ngay khi chúng ta thấy đúng là sự sống xảy ra đúng như cái đang thấy! Và tất cả mọi sự sống của chúng ta đang xảy ra đúng như cái mà chúng ta đang thấy đang biết ở đây, chứ chúng ta không thể nào sống khác hơn.

Do đó nếu cái tầm thấy của chúng ta đúng với chân lý rồi thì tự động chân lý hiển hiện thành đời sống của mình, chứ không phải là mình “làm” để mà mình vượt thoát nữa. Không còn cái chuyện động đậy để giải thoát. Không còn quán sát để giải thoát. Không còn có dụng công, dụng lực, dụng tâm nữa, mà là cái thấy của mình nó đã ở ngoài mọi sự dính mắc rồi! Nó vượt ngoài ngã và pháp rồi! Nó không còn dính mắc tới ngã, nó không còn dính mắc tới pháp thì không nói tới vượt thoát nữa! Nó là cái ở ngoài. Cái siêu vượt “ở ngoài”, chứ không phải là cái mình “vượt ra”!

Mà sự thật không phải là cái “đi ra”! Sự thật là nó vốn dĩ là như thế! Mà nó vốn dĩ là như vậy thì nó không cần làm cái gì thêm, vì nó vốn dĩ thanh tịnh, nó vốn dĩ tự ly, nó vốn dĩ bất nhiễm, nó vốn dĩ tự tịnh, nó vốn dĩ tự định! Nó vốn dĩ là như vậy!
Vậy nghĩa là lâu nay mình không thấy rõ cái này. Bây giờ mình thấy đúng như thật là nó vốn tự tịnh, tự định, tự ly. Thì từ đó trở về sau mình quay lại, thử coi mình dính với cái gì , thì không dính được nữa! Thực sự không phải thử mà là chấp luôn cũng không dính , có dán cũng không dính luôn. Thì như vậy là mình đã thấy đúng khi mà có được “cái thấy vượt thoát” , đây là một “cái thấy vượt thoát” chứ không phải là dụng công để vượt thoát .
Lâu nay mình thấy lầm cho nên mình vùng vẫy trong cái lầm, còn bây giờ mình đã thấy đúng là tự động automatic mọi thứ nó trơn tuột, mọi thứ nó thông lưu mà không cần phải làm thêm cái gì!

Cho nên, sau lần mà chúng ta nhận chân được chân lý , nếu mình vẫn làm cái gì để thoát cái gì là biết rằng mình chưa thấy đúng! Khi đã thấy đúng rồi thì mình không thể làm cái gì để dính được với cái gì nữa… thì lúc đó là mình đã thấy đúng!

Và không có làm cách nào để có thể dính được! Dù sanh tử trùng trùng trùng trùng những kiếp tới thì là tới chơi để độ sanh chứ không phải là mình bị trở lại. Sau lần đó rồi là mình không bao giờ bị sanh tử lôi cuốn nữa, mà mình tự tại và làm chủ một cách tuyệt đối . Nếu muốn thọ thân ở cõi giới nào là tự automatic. Còn không thọ thân thì vô dư y giải thoát!

Cái từ “vô dư y giải thoát” hay lắm! Không có tồn đọng một mảy trần nào. Đây là nơi hoàn toàn không thể nhiễm được, không thể dính được, không cái gì có thể nắm bắt được hay ràng buộc được! Tuyệt đối những cái này không có trong cõi giới vô dư y giải thoát . Như vậy gọi là người đó đang ở cảnh giới vô dư y Niết Bàn, chứ không phải là xả cái thân tứ đại rồi mới được gọi là nhập vô dư y Niết Bàn. Cái đó chỉ là lý luận cho vui thôi.

Thực tế cảnh giới vô dư y giải thoát và vô dư y Niết Bàn là ở ngay nơi Hiện Tiền này ! Nếu người nào “ngay khoảnh khắc Hiện Tiền” mà không có cái gì dính được với họ, và họ cũng hoàn toàn không có mặt ở đây để dính với cái gì! Mất cái ngã là mất tất cả, thì không có “dư” trở lại nữa, không có hữu dư trở lại mà hoàn toàn vô dư.

Mất ngã là mất tất cả, và khi mất ngã là mình hoàn toàn không còn làm cái gì được nữa ở trong không gian vũ trụ này. Mình không còn làm giống như xưa được nữa. Không có lặp lại giống như cũ được nữa, không có dính mắc giống như cũ được nữa, nên gọi là “việc cần làm đã làm xong, không còn trở lại trạng thái này nữa”, thì người đó mới là người thực sự nhập vô dư y Niết Bàn.

Vô dư y Niết Bàn là không còn trở lại trạng thái đó được! Không còn lặp lại dính mắc với bất kỳ một cái gì nữa! Không bao giờ lặp lại việc dính mắc đó nữa. Vì sao? Vì đã chấm hết cái ngã rồi! Chấm hết ngã thì không có chỗ để dính! Đó được gọi là vô dư y giải thoát.

Cái chuyện giải thoát là cái chuyện ngay nơi hiện tiền này! Nếu ai có một khái niệm dù nhỏ là mình sẽ giải thoát ở đâu đó thì đó là khái niệm sai lầm! Nên biết như vậy. Cho nên bây giờ là nên dùng hết tất cả sức bình sinh của mình cho khoảnh khắc Hiện Tiền! Đừng có dư ra ngoài. Chỉ đơn giản là đừng có dư ra ngoài. Đơn giản là hãy sống trọn vẹn ở ngay nơi thực tại Hiện Tiền là chúng ta sẽ vượt ngoài hết tất cả những ràng buộc xưa nay liền .

Sự khác nhau giữa người tu theo Nguyên Thủy và tu theo Đại Thừa là ở chỗ nhận định vọng “thực” hay là “không thực. ” Nếu thấy vọng thực thì sẽ có khổ thực, có vui thực, có sinh tử thực và có Niết Bàn thực. Cho nên diệt cái sinh tử để hiển lộ Niết Bàn.

Còn những người thấy vọng không thật, nhưng họ không có nhắm ngay vọng để hơn thua. Nhà Thiền có ví dụ này rất rõ về ngay khi thấy cái vọng. Đó là những cách bắt mồi. Ví dụ như con chó, chọi cục đất thì nó chạy lại nó chụp cục đất đó. Con mèo thì nó không chạy, mà nó ngồi nó nhìn, nó hớp hồn con chuột, con chuột buông tay, con mèo chụp là dính. Còn con cáo thì sao? Nó đi cà đủng cà đỉnh, cà đủng cà đỉnh, gần như nó không để ý tới con gà. Nó cứ đỏng đảnh như vậy, nhưng nó siêu tới mức độ là nó đo được độ phóng của nó là bao nhiêu. Nó đi mà nó nhắm chụp được con gà , là nó phóng tới trúng đích, con gà không có chạy được. Con cáo hết sức là tinh vi, có khả năng đo được cái khoảng cách cần phóng tới để chụp con gà.

Có nghĩa là hết sức là bình thường, thấy vọng bắn cái bụp là rớt! Không có để ý! Một người chăm hẳm ngồi chờ vọng khởi rồi biết! Còn một người thì rất là thư thái, thanh thản, thảnh thơi, thấy vọng khởi lên rồi biết là vọng mất.

Nhưng còn con sư tử thì quăng cục mồi ra thì nó sẽ chụp người quăng! Khác biệt cái gì? Giờ muốn dụng công kiểu sư tử, hay là kiểu con mèo, hay là kiểu con cáo, hay là kiểu con chó?

Dụng công kiểu sư tử thì ngay khi cái vọng hiện đó thì biết chỗ đang hiện! Biết cái chỗ đang hiện không có nghĩa là biết “cái hiện” mà biết “cái đang biết” đang hiện hữu đó! “Cái biết” đang hiện hữu đó mới là cái quan trọng, còn cái vọng mà nó hiện nó lặng, nó hiện nó lặng là nó hiện nó lặng trong “cái biết”.

Cái biết là cái biết. Còn cái chớp nhoáng, chớp nhoáng của ý niệm là cái chớp nhoáng của ý niệm. Ý niệm “hiện” ngay “cái biết,” chứ không phải là theo hay không theo vọng mà là cái biết! Như vậy nhận diện cái biết, an trụ cái biết, sống ở nơi cái biết, và như vậy là nó khác với cái “biết vọng”!

“Cái biết” này mới là cái chính, còn cái vọng nó lặng nó hiện, nó lặng nó hiện là nó lặng nó hiện, còn cái biết này là nó đang biết cái lặng và cái hiện. Thì cái biết đó mới là cái quan trọng chứ không phải cái vọng mới là cái quan trọng.

Chọn cái nào chính cái nào phụ ra để xài chứ, đúng không? Mà đa phần là chúng ta biết vọng là chúng ta không có theo vọng, vọng khởi lên rồi biết, vọng lặng xuống rồi biết. Vậy là mình biết cái vọng khởi hay mình biết cái vọng lặng, hay là mình nhận “cái biết” đang hiện?

Nếu mà nhận cái biết đang hiện thì có cần phải biết vọng không? Không! Cái biết đang hiện thì hiện cái biết, và chỉ là Hiện Tiền cái biết; cái gì hiện trong cái biết thì nó biết, chứ nó đâu cần biết vọng, biết không vọng.

Đương nhiên là vọng khởi và vọng lặng nó biết, nhưng ta không quan trọng cái khởi và cái lặng của vọng, mà quan trọng là “cái biết” đang biết cái hiện và cái lặng mới là cái quan trọng.

Cái biết này nó không bị vọng làm mờ, nó cũng không bị cái lặng làm mất đi ! Vọng hiện nó cũng biết mà vọng lặng nó cũng biết. Giữa cái hiện và cái lặng, cái có và cái không, nó cũng biết. Nó không vì cái có mà nó hiện, nó không vì cái không mà nó mất.

Nó “hiện diện” để có thể “tỏ rõ,” chứ không phải là nó “ở giữa”! Không phải nó ở giữa mà là nó “trùm” cả cái có và cái không! Không phải nó “ở giữa” cái có và cái không!

Không phải ở giữa mà nó là nó “trùm”! Nó biết cả cái có và nó biết cả cái không thì nó không phải là ở giữa. Nếu nó ở giữa thì nó chỉ biết cái ở giữa chứ nó không biết cái có và cái không, nhưng mà nó trùm thì cả cái có lẫn cái không nó mới biết, cho nên chúng ta phải dùng từ chữ cho rõ ràng.

Trong Kinh có diễn tả là nếu một cái cây ở dòng suối mà nó muốn trôi ra tới biển thì nó như thế nào, có nghĩa là nó không tấp bên đây và nó không tấp bên kia, mà không tấp bên đây và không tấp bên kia thì có nghĩa là nó ở giữa dòng. Ở đó gọi là trung đạo. Nhưng đạo không phải “ở giữa” !

Nghe định nghĩa trung đạo rồi dịch thành ở giữa thì không phải, vì ở giữa thì sẽ có hai bên, và như vậy thì sẽ có đủ ba thứ luôn chứ không chỉ hai thứ nữa. Có ở giữa là dính tùm lum. Cho nên ở đây, chúng ta không phải “ở giữa” mà nói nó “trùm,” nó “ở khắp”! Không phải “ở giữa” mà phải dùng cái từ “ở khắp”! (Cho nên những người thông dịch phải dịch là ” ở khắp “)

Ở khắp cho nên có hiện ra, nó biết có, không hiện ra, nó biết không. Khi cái gì mất, nó hiện cái không là nó biết cái không. Tức là nó biết cái có và cái không một lượt, chứ không phải là nó “ở giữa” của cái có và cái không! Chuyện này thì chúng ta nên biết.

Như vậy khi chúng ta đang trong giai đoạn dụng công tu tập thì chúng ta đang ở đâu? Chúng ta đang ở chỗ “tỏ rõ Hiện Tiền – Hiện Tiền tỏ rõ” cho nên cái gì hiện lên là rõ cái đó, cái gì tắt đi là rõ cái đó. Ngay nơi hiện cái không là rõ cái không đang hiện. Ngay nơi hiện cái có là rõ cái có đang hiện.

Đức Phật nói rất rõ ràng là ngay nơi cái thân là tuệ tri cái thân đang hiện. Ngay nơi hít vào thì tuệ tri hơi thở đang vào. Ngay khi hơi thở ra là tuệ tri hơi thở ra.

Tuệ tri ngay nơi Hiện Tiền đó thì cái “tuệ tri” đó mới là quan trọng, còn thân, thọ, tâm, pháp cũng đang bị tuệ tri, thì cái đó không phải là cái quan trọng! Nó đều là cái bị tri!

Cho nên, khi mình tri tới mức độ “toàn tri,” tức là “cái tri toàn triệt”! Tri toàn triệt có nghĩa là cái gì hiện ra là tri cái đó, có hiện có, không hiện không, cái khoảng không dài hiện khoảng không dài, khoảng không ngắn hiện khoảng không ngắn, rồi tới lúc không còn động niệm nữa thì nó hiện sự rỗng lặng. Rỗng lặng thì sẽ tuệ tri sự rỗng lặng đang hiện. Có hiện ra là tôi biết có, không hiện ra là tôi biết không. Minh phải rất rõ ràng cái chỗ này, để mình không vì bị vọng nhiều, vọng ít ở đây. Nó không có vì vọng nhiều mà mình loạn, và vọng ít thì mình an. Không có phải vì khởi niệm mà mình động và không khởi niệm là mình tịnh vì cái chuyện “Hiện Tiền rõ biết” của mình.

Do đó, động nhiều thì mình cũng rõ biết như thế, mà động ít cũng rõ biết nó như thế! Rõ biết là rõ như vậy, không vì cái nhiều, không vì cái ít, không vì cái có, không vì cái không mà nó thay đổi, mà nó chỉ là cái rõ và chỉ rõ như vậy thôi, thì nó không dính mắc với cái có và cái không!

Mình ra ngoài cái có và cái không bằng cái rõ của mình! Như vậy không phải đợi biết vọng để hết vọng mà là vọng có khởi kiểu gì thì “cái Hiện Tiền biết” vẫn là cái biết hiện hữu hiện tiền!

Như vậy, trước khi đi vào chiều sâu của tâm linh mà mình nắm vững cái này thì mình có bị bất an bởi vọng niệm không? Nhẹ tưng liền ngay tại chỗ! Minh phải xác định là cái gì chính, cái gì phụ một cách rất là rõ ràng, rất là minh bạch chứ chúng ta đừng có mờ chỗ này. Chỗ này mà mờ là đi vào công phu không được! Rất rõ ràng! Thấy rõ ràng ý niệm, và ý niệm mất thì mình vẫn thấy nữa, hiểu không? Vẫn là cái thấy để thấy có niệm và thấy không niệm. Cái thấy này nó không bị “niệm” và “không niệm” làm thay đổi. Như vậy là mình thấy bình đẳng, thấy bình đẳng giữa cái có và cái không!

Có nó cũng thấy như vậy, mà không nó cũng thấy như vậy. Có nó cũng biết như vậy, mà không nó cũng biết như vậy. Cái biết này mới là cái biết cả cái có lẫn cái không, cái biết hai đầu, cái biết trùm khắp, cái biết hai bên mà nó không thuộc bên đây cũng không thuộc bên kia. Nó không bị bên đây dính mà nó cũng không dính cái bên kia. Chính cái biết này nó mới không dính hai bên. Biết có nó không dính có, biết không nó không dính không thì nó mới thoát khỏi hai bên, nó thoát khỏi cái đúng sai, thoát khỏi cái hay dở. Từ chính cái biết này mới tạo thành nền tảng để mình “ở ngoài”. Còn nếu mình không rõ cái này mà mình ngồi thiền, mình dụng công tu tập thì mình ở đâu để mình tu?

Chủ trương tu của mình là không lấy, không bỏ. Không lấy cái không, bỏ cái có. Không lấy cái có, bỏ cái không. Giữa cái có và cái không đều thấy như nhau, đều biết như nhau, đều bình đẳng để thấy biết như nhau, tốt xấu đều bình đẳng để nhận biết như nhau. Mọi thứ đều bình đẳng để nhận biết như nhau thì chuyện tốt chuyện xấu cũng không làm mình động tâm mà chỉ là cái biết!

Nhìn lại, cái biết này không bị thằng nào làm dính, không bị thằng nào làm nhiễm, nó luôn luôn là như vậy, nó luôn hiện hữu như vậy.

Nếu giai đoạn đầu chúng ta dụng công mà không rõ ràng, chúng ta sẽ không có tự tin. Nếu chúng ta hiểu biết đúng thì chúng ta sẽ rất tự tin là “cái biết” của chúng ta đang Hiện Tiền! Đủ tự tin này mới được. Nếu chúng ta đi vào công phu mà chúng ta không tự tin là chúng ta bị loạn bởi ý niệm liền. Tin không? Nhưng mà rõ ràng là niệm kiểu gì mình cũng biết. Niệm nhiều cũng biết, niệm ít cũng biết, niệm thưa cũng biết, niệm nhặt cũng biết, niệm thô cũng biết, niệm tế cũng biết, không niệm cũng biết, có niệm cũng biết, động nhẹ cũng biết, động mạnh cũng biết, gợn lăn tăn cũng biết và không gợn cũng biết. Mọi cái mình đều biết thì những cái này không phải là mình , mình phải tách bạch nó ra!

“Cái bị biết” nó không phải là mình thì hơi đâu mà quan tâm nó còn hay nó mất! Nó không có phải là mình thì không nên đặt trọng tâm qua phía đó và hãy đặt trọng tâm nơi “cái biết” , như vậy quý vị sẽ thấy là mình sẽ khác, rất khác so với công phu từ trước tới bây giờ.

Bây giờ còn lo vọng nhiều vọng ít nữa không? Ai còn thấy vọng nhiều vọng ít tức là mình đã thấy vọng nó thật hơn là cái biết. Còn khi mình đã thấy cái biết thật sự là quan trọng thì vọng hiện trong cái biết và vọng mất ở ngay cái biết! Ngay nơi cái biết của mình đang hiện hữu, vọng hiện và vọng mất.

Cho nên cái biết thì vẫn luôn là cái biết, còn vọng thì luôn luôn tương tục thay đổi. Mình phải rất là rõ, mình nghiệm rất là rõ. Ở chỗ này gọi là “nghiệm chứng” chứ không phải là nhận hiểu nữa. Và khi mình rất là vững ở cái biết đó rồi thì không còn nói chuyện vọng nữa.

 “Tỏ rõ Hiện Tiền – Hiện Tiền tỏ rõ.
 Biết cái đang biết, biết cả cái có lẫn cái không – và cái biết đó nó trùm khắp – không phải ở giữa “.

 “Vô dư y giải thoát là ngay nơi Hiện Tiền này – Hiện Tiền tỏ rõ, tỏ rõ Hiện Tiền – Không thể dính được với cái gì và cũng không có cái gì có thể dính được họ. Mất ngã, mất pháp hoàn toàn. Không còn lặp lại giống như cũ được nữa. Nên gọi là: “Việc cần làm đã làm xong, không còn trở lại trạng thái này nữa”, thì gọi người đó là thật sự nhập “Vô dư y Niết Bàn “.

Trích Kinh Hoa Nghiêm (buổi giảng 691)
TT. Thích Tuệ Hải

Bài viết liên quan