Lược giảng ĐẠO CA

  • Đăng bởi: ĐẠO CA
  • |
  • 29/04/2023

Toàn tri hiện hữu như hiện hữu

Pháp giới tỏ thông không khứ lai

Hư không vũ trụ trong tay nắm

 Niết Bàn, sanh tửmãi rong chơi.

Sáng tác năm 2012 Nhâm Thìn

(Tác giả: Vô Trụ Thiền Sư)

“Toàn tri hiện hữu như hiện hữu”. Bài Đạo Ca là hết ngôn ngữ rồi, cho nên ngay câu đầu tiên muốn nói tới cái “toàn tri”. “Toàn tri” cũng là ngôn ngữ mới không dính tới tôn giáo. Khi “toàn tri hiện hữu” thì bặt tất cả ngôn hành.

Những lý luận, những kiến giải, kiến thức, những lời nói phân biệt, những sự so sánh của mình, mình không thể nói được, không thể hiểu được, không thể nắm bắt được nó, cho nên nó hiện hữu như nó đang hiện hữu.

Cái “như hiện hữu” này nó đã hiện hữu như vậy từ ngàn xưa cho tới bây giờ rồi. Hành giả tu tập phải tới cảnh giới “Như Như Hiện Hữu”, bặt hết tất cả ngôn hành, không ngã, không pháp, không ta, không người, không sanh tử, không Niết Bàn. Không thể lý luận được bằng cái đầu, không thể nhận cái này là đạo. Nếu mình thấy có cái “toàn tri”, mình nhận gọi là mình ngộ đạo, mình nhận được Tự Tánh , mình nhận được chân tâm, mình ngộ cái này, mình ngộ cái kia, nhưng chỗ này không phải. Không có ai ở đó để mà ngộ, không có ngã, không có pháp. Nếu phút chốc đó hành giả còn thấy có mình ở đó để nhận đạo là mê lầm.

“như hiện hữu” là như vậy thôi, không thể nói như thế nào được nữa. Không thể lý luận được nữa, cái đầu mình không thể hoạt động được trong phút giây này và tâm thức không thể mó máy tới cảnh giới tuyệt đối toàn tri này. Tất cả mọi người khi tu tập chúng ta phải tới cảnh giới không còn đạo để mình có thể nhận được nữa. Và pháp giới mười phương này chỉ là cái duy nhứt “toàn tri” mà thôi, không có cái tri thứ hai.

Nếu một phen chúng ta trở về hòa nhập trong cái toàn tri như như hiện hữu đó, vượt ra ngoài những tâm hành lý luận, không còn vọng thức, không còn vọng tưởng, không còn so sánh, không còn khởi niệm, không còn tri kiến, vượt ngoài tất cả những tri thức và hiểu biết, vượt ngoài tất cả ngôn ngữ và ngôn hành, vượt ngoài ngã và pháp, vượt ngoài đạo và không đạo, vượt ngoài chứng và đắc, chỉ là sự “hiện hữu như” mà thôi. Chỗ đó là tuyệt đối vô ngôn.

Mình diễn tả chỗ vô ngôn, vô hành bằng sự toàn tri hiện hữu như hiện hữu. Tức là có thể nói được chứ không phải là không. Các vị Thiền Sư nói cái chỗ kia diễn tả được ít phần là 70 hoặc 80 phần trăm. Ngôn ngữ thì không thể diễn tả được đạo lý, nhưng câu này “toàn tri hiện hữu như hiện hữu” có thể nói tới được cái chỗ mọi người muốn tới. Tới được cái chỗ mà mọi người muốn chứng muốn đắc. Muốn tới đó thì phải nói loại ngôn ngữ đó, vượt ngoài sở kiến, sở hành, sở tri của mình vì nó là toàn tri, nó hiện hữu như nó đang hiện hữu chứ không làm sao khác được. Và toàn pháp giới này nếu mình có cái gì khác hơn được thì không phải. Không thể khác.

Toàn pháp giới này là “toàn tri”. Toàn pháp giới này là toàn chơn. Mình ở trong pháp giới nên mình cũng đang toàn chơn, đang toàn tri. Tất cả mọi cái đều hiện hữu toàn tri. Làm sao hành giả phải tới cảnh giới này. Nếu người nào tu tập không đạt tới cảnh giới này thì sanh tử không bao giờ giải quyết được.

Tất cả người tu phải tới chỗ tận cùng này, phải “toàn tri” tuyệt đối không có một cái thứ hai, nếu mình thấy có một cái để mình tri tức là có đối tượng, có ngã và có pháp. “Tri” này chỉ là “toàn tri” thôi và tất cả sự hiện hữu trong pháp giới này chỉ là sự “hiện hữu toàn tri”. Nhập trong pháp giới “toàn tri như hiện hữu” của “toàn tri”. Hết lời!

“Pháp giới tỏ thông không khứ lai”. Nếu nói một câu như vậy thì khiến người ta không hiểu gì, cho nên nói để lý giải. Khi nhập tới cảnh giới đó rồi thì mình thấu suốt pháp giới mười phương. Tức là thấu suốt được cái hư không và tỏ thông không có quá khứ, hiện tại và vị lai. Thời gian và không gian tắt mất. Lúc đó, không phải là hiểu nữa mà là sự tương thông, hòa nhập vào cảnh giới không thời gian, không không gian. Không phải biết, không phải cảm nhận, mà mình là cái không thời gian, không không gian.

Tuyệt đối “nhập trong cảnh giới” không thời gian, không không gian đó thì dùng từ là tỏ thông chứ không phải hiểu. Một sự tương thông, tương đồng, một sự hòa nhập. Phút chốc hòa nhập đó, mình là pháp giới. Toàn pháp giới này là mình. Toàn pháp giới này là “toàn tri hiện hữu”.

“Hư không vũ trụ trong tay nắm”. Ở cảnh giới không thời gian, không không gian, vượt tầm hiểu biết ngôn ngữ, lý luận cho nên gọi là “Pháp giới tỏ thông không khứ lai”. Người đó làm chủ được hư không vũ trụ này. Cái hư không vũ trụ này thực sự đối với đầu chúng ta thì rõ ràng là mênh mông. Đối với người còn ở bên đây bờ tâm thức thì hư không này còn rộng, còn hẹp, còn có, còn không, còn lớn, còn nhỏ, còn phải, còn trái, còn trong, còn ngoài, nhưng đằng này hư không này chỉ “trong tay nắm”.

Hư không, không còn rộng đối với người đó nữa, vì họ phủ trùm hư không pháp giới, cho nên họ hòa nhập trong “pháp giới tánh toàn tri”, họ “làm chủ Tam giới”, không phải là chuyện bình thường nữa. “Hư không vũ trụ trong một nắm tay” của mình chứ không có ra ngoài. Nếu người nào còn thấy hư không này lớn, hư không này nhỏ, là mình còn bên đây bờ, mình chưa ra ngoài hư không và vũ trụ. Chưa làm chủ hư không và vũ trụ thì không thể làm chủ được sanh tử.

“Niết Bàn, sanh tử mãi rong chơi”. Một người tu tập đạt cảnh giới cao của Thiền học thì buộc họ phải tự tại sanh tử. Chuyện đó phải tới. Đối với sanh tử mà người đó không tự tại thì không phải là Thiền Sư. Thiền Sư muốn sống kiểu nào sống, muốn chết kiểu nào chết, muốn vào kiểu nào vào, muốn ra kiểu nào ra.

Trong vòng lục đạo luân hồi này, từ cõi Trời, cõi người, cõi A tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh người này dạo chơi trong đó. Và không phải ra khỏi sanh tử mới vào Niết Bàn, mà ngay khi dạo chơi trong sanh tử là dạo chơi Niết Bàn. Có nghĩa không có Niết Bàn ở ngoài sanh tử. Không phải diệt hết sanh tử để vào Niết Bàn. Niết Bàn ngay tại đây và ngay Hiện Tiền. Người đó không có phút chốc nào mà không có Niết bàn. Nếu muốn nói Niết Bàn thì họ đang ở Niết Bàn. Nếu muốn nói sanh tử thì họ đang đi trong sanh tử. Niết Bàn là một nơi, một chốn, một chỗ về, một chỗ an trú, một chỗ hòa nhập. Đó là “Thường Tại Niết Bàn”.

“Niết Bàn sanh tử mãi mãi là sự rong chơi”, là trò đùa. Niết Bàn không phải là chuyện tối quan trọng và không phải sanh tử là sự đại nữa. Sanh tử là tự tại, Niết Bàn là tự tại. Mãi mãi chỉ là trò chơi thôi, không quan trọng.

Ông Tú Tài Chương Chuyết nói: “Niết Bàn sanh tử đẳng không hoa”. Tôi nói chưa tới. Còn thấy Niết Bàn sanh tử là “hoa đốm hư không” là chưa phải. Ở trong sanh tử thấy sanh tử là huyễn, Niết Bàn cũng huyễn nên không dám nhập sanh tử là không phải. Ở trong sanh tử tức là ở Niết Bàn. Không có sanh tử ngoài Niết Bàn. Dùng tạm từ Niết Bàn và sanh tử để so sánh hai đầu an vui và đau khổ, nhưng thực sự dạo chơi trong sanh tử là tự tại trong Niết Bàn, chứ không có chứng đắc, không có đi đâu, về đâu. Khắp vũ trụ pháp giới này chính là mình, cho nên không có nhập và không có xuất. Có và không chỉ là chuyện vui đùa, cho nên mãi rong chơi.

Không có sợ sanh tử để chạy trốn đi cõi này cõi kia, cũng không có quý Niết Bàn. Không ra ngoài sanh tử. Mãi mãi trong sanh tử luân hồi, có nghĩa mãi mãi an trú trong Niết Bàn. Không phải vượt ngoài lục đạo luân hồi tới Niết Bàn an trú. Không có bờ bên đây và không có bờ bên kia. Không có Niết Bàn khác với sanh tử.

Bài kệ này có thể sẽ là sóng gió cho đoạn đời còn lại của chúng tôi. Nó cũng có thể tạo thuận lợi gặp được bạn tri kỷ trong cuộc đời này. Nó cũng có thể tạo cơ duyên hành đạo tốt lành cho chúng tôi, nhưng nó cũng thực sự là sóng gió. Vì khi mình đã dám dùng từ Đạo Ca rồi thì chắc chắn sẽ có thử thách.

Cái gì cũng vậy, đương nhiên có hai mặt. Khi chúng ta chấp nhận dạo chơi trong sanh tử, thì mọi cái chỉ là trò chơi thôi. Cho nên việc có, không, còn, mất, đúng, sai, hay, dở, sống, chết nó cũng chỉ là trò chơi của chính mình. Cuộc sanh tử này dạo đi với chúng tôi không phải là cái sanh và cái tử như mọi người nhìn thấy nữa. Sanh tử chúng tôi đã không còn. Chuyện gì tới sẽ tới. Nếu nó tới trong chiều tốt đẹp nó sẽ có lợi lạc nhiều người, còn tới trong chiều không tốt đẹp thì mọi người sẽ không có lợi lạc nhiều thêm thôi. Tôi mãi mãi chơi trong sanh tử, khi nào tất cả quý vị thành Phật hết rồi, tôi sẽ lót tót theo sau. Có chúng tôi làm được những điều mới nữa cho mọi người, thì đó là điều đáng vui trong đoạn đời còn lại, còn không thì chúng ta cũng vui theo kiểu khác. Chắc chắn là chúng ta sẽ gặp nhau hoài hoài, gặp nhau mãi mãi trong sanh tử này. Khi các vị thành Phật thì mình sẽ gặp trong cõi Phật tiếp tục.

Trong quãng đời hành đạo của chúng tôi là gần như chúng tôi luôn luôn sống trong sóng gió ba đào, không phút nào không có sóng gió. Chính những sóng gió đó đã trui rèn mình. Lâu nay chúng tôi không dám nói nhưng khi nói ra tức là đã bị lộ rồi, đã bị ló đuôi rồi, hy vọng “cái đuôi này người ta đừng có tề” để cho vui cuộc đời này.

Bài viết liên quan