NHỊP SỐNG CHÙA LONG HƯƠNG

  • Đăng bởi:
  • |
  • 05/03/2020

Sư Phụ dạy: “Người xưa khi phát tâm xuất gia học đạo một lòng liễu thoát sanh tử, cầu ra khỏi ba cõi như chim sổ lồng. Kể từ giờ phút bước chân ra khỏi căn nhà thế tục như bước chân ra khỏi ngục tù, không quay đầu nhìn lại gọi là xuất thế tục gia”.

Trong lòng chí cầu giải thoát lúc nào cũng hừng hực từng phút từng giây làm sao phải thấy cho được chân lý. Ăn không dám ăn, ngủ không dám ngủ; sớm tối hành đạo không có một phút rảnh rang lo nghĩ chuyện khác. Hễ nghe ở đâu có bậc Minh sư, Thiện hữu thì dù vạn dặm đường xa gian lao khó nhọc, chịu nhiều đắng cay thử thách cũng quyết lòng tìm cầu học đạo. Làm sao phải chặt đứt lối mê? Làm sao phải thể nhập Thánh đạo?

“Thánh” trước “Hiền” sau, các Ngài là những bậc long tượng trong Phật pháp, tiếp nối mạng mạch của Như Lai.

Người tu hành mặc dù chưa sáng đạo nhưng có tâm huyết này không sớm thì muộn cũng có phần trong Phật pháp. Như thế mới có đủ phước để “ngồi không” cắn bể hột cơm của thí chủ đàn na. Đức Phật dạy: “Học đạo không thông lý, thân sau đền tín thí”. Vì vậy người xuất gia bổn phận và trách nhiệm của họ rất thiêng liêng rộng lớn. Xuất gia là dự hàng Tăng Bảo, đứng địa vị chúng “Trung tôn”, thay Phật tiếp Tổ hoằng dương Phật pháp cứu độ chúng sanh. Sở dĩ đàn na thí chủ họ nhín ăn bớt mặc, đem tiền của tới chùa thành tâm cúng dường là họ nghĩ mình đang thực hiện hoài bảo này.

Chúng ta xét lại nếu trong lòng mình không ôm ấp và thực hiện hoài bảo này thì liệu tứ sự cúng dường mình thọ dụng hằng ngày có tiêu nổi hay không? Nếu không tiêu thì phải mang nợ! Nợ rồi thì đi đâu? Làm gì? Và bao giờ trả hết nợ này?

Người đời họ bố thí cho một kẻ ăn xin hay một người nghèo thì nợ này còn dễ trả. Còn người xuất gia là thọ nhận cả đời. Thí chủ họ cúng cho người xuất gia dù chỉ có vài ngàn đồng, họ cũng cúng với tâm thành kính, mong các bậc xuất gia thọ nhận rồi tu hành đắc đạo mà phổ độ chúng sanh. Bởi vì mỗi thứ họ gởi đến cho người xuất gia, dù ít dù nhiều cũng với tâm mong chờ và thành kính. Cho nên chúng ta xét lại mình liệu có trả nổi không? Đức Phật nói: “Tam Bảo chính là phước điền cho thiên hạ”.

Nhưng mình xét lại mình có phải là Tăng Bảo chưa? Mình có phước đức gì cho thí chủ gieo duyên để gặt hái phước lành hay không? Nếu người học đạo thông suốt, nhận ra được chân lý dù chỉ một phút ở yên trong Tự tánh thôi thì phước này dù ngồi hưởng tám kiếp vẫn không hết. Cho nên một người nhập trong pháp giới tánh, họ ngồi đó tuy chúng ta không thấy họ làm gì hết nhưng lực dụng của vị này không thể nghĩ bàn. Họ đã phân thân đi độ chúng sanh khắp các cõi mà chúng ta không thể thấy bằng mắt thường. Người nhập trong chân trời Tự tánh thì năng lực ánh sáng từ bi và trí tuệ của họ lan tỏa khắp không gian vô biên chuyển hoá được những cõi tăm tối chung quanh. Sóng từ và năng lượng bình an của họ sẽ ảnh hưởng trực tiếp rất lớn vào hư không vũ trụ này. Cho nên chúng ta thấy họ không làm gì mà họ làm tất cả. Đây là giá trị của người thật tu thật chứng. Vì vậy, Đức Phật mới nói bậc này xứng đáng làm Thầy trời người và xứng đáng thọ thiên nhân cúng.

Xét lại người học đạo thời nay tâm hồn biếng trễ. Đã vào chùa xã tục mà thói tục vẫn còn đeo mang, nhân ngã cống cao chưa rời phàm tánh, đạo lý thì không chuyên cần, ý chí xuất trần thì quá bạc nhược, phải trái thị phi hơn thua đủ chuyện… phước đức thì mỏng manh! Hỏi lấy phước gì mà ngồi không an hưởng sự cúng dường của đàn na thí chủ?

Vì vậy Sư Phụ dạy chúng trong chùa: Mình chưa đủ phước để nhập đạo thì Thầy trò phải tự làm để sống, không thể ngồi không chờ đợi Phật tử cúng dường cho mình ăn, trong khi tạo hóa đã tặng cho mình đôi bàn tay và khối óc, ít nhất mình cũng không phải là người vô dụng. Ai trên cuộc đời này cũng phải tự làm để sống đó là điều tối thiểu nhất về tính độc lập và tự do của mỗi người. Chúng ta tu là phải thực dụng, không thể ngồi đó chờ người khác làm cho mình hưởng! Hưởng một thời gian phước cũng tận. Cho nên chúng ta chưa đủ phước để nhập đạo thì nên vừa làm vừa tu.

Bởi “Thiền là sự sống”.

“Tu Thiền” là sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc mới mẻ hiện tiền.

Nếu một người sống có đạo lý thì tâm họ lúc nào cũng hừng hực chỉ có đạo lý. Dù cho cuốc đất, trồng rau hay làm bất cứ công việc gì họ cũng không rời đạo lý. Đây là mức sống của Thiền. Cho nên nói Thiền là lưu thông trong nhiều lĩnh vực của sự sống và làm cho đời sống thăng hoa và đạt đến tinh hoa của sự sống đó là Đạo. Chân lý không thể rời cuộc sống mà sống là động. Mỗi khoảnh khắc là mỗi sống động. Mỗi giây phút là mỗi mới mẻ hiện tiền. Mỗi cử chỉ hành vi đều phải tinh tế nhạy bén lợi mình lợi người.

Thiền là sống mà sống là động… mỗi giây mỗi phút đều hết sức sống động mới mẻ vui tươi… Nên cuốc đất, trồng rau, bổ củi, gánh nước, nấu cơm, quét rác… ngay đến sản xuất, kinh doanh, buôn bán… không chi không phải là Thiền. Vì vậy đời sống huynh đệ trong chùa mỗi người tuỳ theo khả năng của mình mà chấp lao phục dịch để góp phần xây dựng cuộc sống. Tổ Bá Trượng xưa kia “một ngày không làm, một ngày không ăn”. Cho đến khi 70 tuổi Ngài vẫn theo chúng ra ruộng cuốc đất trồng lúa.

Nếp sống của huynh đệ trong chùa Long Hương cũng rất hài hoà. Người lớn tuổi thì làm những việc nhẹ hoặc ở ẩn thanh tu, người còn sức khỏe thì góp phần vào việc công quả sản xuất thực phẩm dưỡng sinh. Đây vừa là để hoạt động chân tay, vừa góp phần hài hoà trong cuộc sống. Được làm chung công việc với huynh đệ cũng là một cách để tự rèn đúc và gạn lọc những thô tâm của mình khi đối duyên xúc cảnh. Xem lại mình đối xử với mọi người bằng tâm gì? Có được xã ngã vị tha hay hơn thua ích kỷ? Trên công việc làm sẽ trả lời công phu và đạo hạnh của mỗi người.

Mỗi ngày từ 6 tiếng hoặc 8 tiếng đồng hồ, thời gian này huynh đệ chấp lao công quả sản xuất. Còn buổi khuya từ 3 giờ đến 6 giờ, buổi tối thì từ 7 giờ đến 10 giờ mỗi người tự ngồi thiền hay lễ Phật sám hối tuỳ ý. Thứ 7 và chủ nhật được nghỉ lao tác để nghe Sư Phụ thuyết giảng. Như vậy nếp sống trong chùa cũng tương đối hài hoà ổn định. Mọi người hoan hỷ theo lời chỉ dạy của Sư Phụ là “vừa làm vừa tu”.

Ngoài ra Sư Phụ trụ trì đã cho xây 18 ngôi thiền thất trong khuôn viên chùa, dành cho Tăng Ni bổn tự luân phiên nhập thất mỗi người một tháng. Nếu trong chúng vị nào có công phu chuyên sâu thì Sư Phụ sẽ cho vị này miễn tất cả công việc lao tác để nhập thất dài hạn, toàn chúng hoan hỷ ủng hộ.

Mục đích của Sư Phụ là muốn cho ai nấy tự ý thức được phước đức thiện căn và đạo hạnh tu tập của chính mình. Làm sao mình vẫn hoà nhịp trong cuộc sống mà vẫn có đạo lý và làm cho đời sống thăng hoa. Đó chính là Thiền.

Dưới đây là những hình ảnh của các huynh đệ đã bằng đôi bàn tay bé nhỏ của mình vui tươi hoà nhịp trong cuộc sống.

 

Nội dung: SC. Tâm Chiếu, SC Huệ Tịnh

Hình ảnh: Ban Biên Tập

Post: Thái Bảo

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan