Lược Giảng BÁT NHÃ

  • Đăng bởi: Ban Biên Tập
  • |
  • 30/04/2023

BÁT NHÃ

Sắc sắc không không không sắc sắc

Không không sắc sắc sắc không không

Không sắc không không không không sắc

Không không sắc sắc Ta Bà Ha.

Sáng tác năm 2012 Nhâm Thìn

(Tác giả: Vô Trụ Thiền Sư )

 

    “Sắc sắc không không không sắc sắc”. Muốn nói lý Sắc Không trong Kinh Bát Nhã: “Quán Tự Tại Bồ Tát, hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách. Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị”. Khi Đức Phật đưa Sắc Không ra và dùng từ Sắc Không, thì gần như những người nghe hai chữ Sắc, Không trong lòng họ liền thấy có Sắc và có Không.

Nếu thực sự chúng ta muốn thấu triệt Bát Nhã Tâm Kinh thì phải ở ngoài Sắc và ở ngoài Không mà nói chuyện. Nhưng từ trước tới giờ chúng tôi chưa gặp bản giảng Bát Nhã nào ra khỏi Sắc Không. Từ xưa tới giờ chúng ta dùng từ là Sắc, là Không và trong Kinh cũng nói cái Sắc và cái Không không khác nhau. Đức Phật nói tức Sắc, tức Không là ngay khi Sắc đó là thấy được cái Không. Ngay khi Không đó là thấy được Sắc.

Người ta diễn tả và giảng giải Sắc do duyên hợp, giả có, từ có biến thành không, từ không hiện thành sắc v.v… Là vẫn ở trên Sắc và Không mà nói chuyện. Cho nên bài kệ này chúng tôi không nói Sắc giống hay là khác, hay là tức, hay là lìa, mà Sắc chính là nó, cho nên dùng từ là “sắc sắc”. Sắc chính là Sắc. Nó chính là như vậy. Không nói Sắc là Không nữa.

Gượng gạo để dùng từ “Sắc”. Bây giờ nếu hiện tướng nó là Sắc thì nó chính là nó, nó không giống ai, nó cũng không khác ai. Sắc tức là Như, Sắc như Sắc. “Sắc Sắc”, tức là cái hiện hữu Sắc đó chính là nó. Hiện tiền Sắc đó không có so sánh, không có phân biệt, không có giống Không. Ngay khi đó nó không thể so sánh. Nếu có mảy may so sánh thì không thấy được lẽ thật của Sắc, không thấy được hiện thực hiện hữu đó, mà mình thấy qua kiến thức mới có một chút so sánh.

Sắc chính là Sắc, mà Sắc đó không phải là Sắc. Nếu mình thấy như thật rồi thì ngôn ngữ gượng lập là Sắc mà thôi. Sắc đó chính là Sắc. Không phải Sắc tức là Không. Không phải Sắc không khác Không. Không có chuyện đó. Sắc chính là như vậy. Sắc chính là nó.

Sắc đó không phải là nó thì mới chính là nó. Ở đây không phải lập luận theo cách Kinh Kim Cang:“Cái này không phải cái này thì nó mới chính là cái này”, không phải luôn, mà đương thể là nó, không có Sắc và không có Không trong này. Nhưng vì bản kinh dùng từ Sắc thì mình dùng từ Sắc, đương thể Sắc. Sắc là Sắc chứ không có tức, không có so sánh, không có khác. Nếu thấy Sắc không khác Không cũng là so sánh. Nếu thấy Sắc tức là Không thì trong đầu lúc đó cũng vẫn là hai, vẫn còn so sánh. Cho nên Sắc không phải cái gì khác, mà là như vậy.

“Không Không”: Cái Sắc chính là như vậy, thì cái Không cũng chính là cái Không, cũng chính là nó như thế. Khi chúng ta hiện hữu ở đây là Có, hoặc khi chúng ta hiện hữu ở đây là Không, thì cái hiện hữu cũng chính là như thế, chính là Không như thế.

“Không Sắc Sắc”: Chính cái đó nó không có “sắc sắc. Vì chính cái “hiện hữu như” thì không có Không và không có Sắc. Cho nên phá luôn cái “sắc sắc” trước. Sắc chính là Sắc đó, không có luôn. Cái Không nó hiện hữu là Không như vậy, cho nên “không sắc sắc”. Không có cái “sắc sắc” trước. Hiện hữu nó không có Sắc, không có Không. Không có “không không” cũng không có “không sắc”.

 

          “Không không sắc sắc sắc không không”.

“Không không”: Không chính là Không đó. Sắc đó chính là Sắc. Nhưng Sắc đó cũng không phải là “không không”. Người ta nói không phải là Không tức là Sắc; không phải là Sắc tức là Không, “không không” có nghĩa là Sắc, nhưng không phải. Cái Sắc chính là nó. Cho nên cái hiện hữu không có Sắc, không có Không, không có “không không” và không có “không sắc”. Vì nó là như thế. Cho nên “không không”, “không sắc”, “tức Sắc”, “tức Không”, là một sự so sánh và còn so sánh thì còn kẹt trong Sắc và Không, không ra được.

“Không sắc không không không không sắc”. Cái chỗ không Sắc đó. Cái chỗ không Không đó. Và nó không luôn cái Không, cũng như không luôn cái Sắc, vì sao? Vì nó vượt ngoài ngôn ngữ phân biệt so sánh của Không và Sắc. Mình gượng gạo để nói Không và Sắc thôi.

Câu thứ ba nó dẹp sạch ngôn ngữ Không và Sắc, cho nên dùng từ “Không sắc không không không không sắc”. Không có cái Sắc, không có cái Không và không luôn cái “không không sắc” nữa. Lìa cả ngôn ngữ có và không, lìa luôn cái Sắc và Không đó thì mới vượt ra ngoài cái Sắc và cái Không.

“Không không sắc sắc Ta bà ha”. Nếu còn một khái niệm “không không”, còn một khái niệm “sắc sắc”, thì ở nơi cái “không không” cũng như ở nơi cái “sắc sắc”, ở nơi cái hiện hữu đó là Ta bà ha.

Trong Kinh Bát Nhã “Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ Đề tát bà ha”. Tát bà ha là Đáo bỉ ngạn, sang bờ kia. Nếu còn bên đây, còn bên kia thì không phải là giải thoát một cách tuyệt đối. Ở đây mình phá chữ Tát bà ha, không nói chuyện bên đây và bên kia, không nói chuyện giải thoát và trói cột, không nói chuyện sinh tử và Niết Bàn. Mà “không không sắc sắc là Ta bà ha”. Tức là ngay nơi Ta bà này không có bên đây, không có bên kia, không có bên phải, không có bên quấy, không có sinh tử, không có Niết Bàn mà là tự tại vô quái ngại ngay hiện tiền, không có trước, không có sau, không có Sắc và không có Không.

“Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ Đề tát bà ha”. Chưa có tuyệt đối rốt ráo. Thành ra phá ba chữ cuối “Tát bà ha” bằng chữ “Ta bà ha”. Ở ngay hiện tiền thì không có thời gian, không có không gian, không có sắc, không có không, không có phải, không có quấy, không có sanh tử, không có Niết Bàn mà tự tại vô quái ngại vốn hiện hữu ngay hiện tiền. Không Sắc, không Không mà có đầy đủ Sắc và Không ở trong đó. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng là như thế.

Bài viết liên quan