ĐỂ HOÀN THIỆN MỘT ĐỜI NGƯỜI

  • Đăng bởi: Ban Biên Tập
  • |
  • 10/11/2021

                                 ĐỂ HOÀN THIỆN MỘT ĐỜI NGƯỜI                                                    

Một con người hoàn thiện không đơn giản là có đầy đủ lục căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, mà phải có đầy đủ đức tính cao thượng, có phạm hạnh. Người đó có trí tuệ vượt thoát lầm mê sanh tử luân hồi, có trí tuệ vượt thoát vướng mắc trong tam giới này, có trí tuệ có thể khai phóng khai mở được tất cả những lầm chấp của chúng sanh muôn loài, thấu tột chân lý vũ trụ quan và nhân sinh quan.

Khi có trí tuệ rồi người ta có tình thương, có sự tương thông, thông cảm một cách tuyệt đối với tất cả chúng sanh muôn loài như chính bản thân mình. Họ có một đời sống tốt đẹp cao thượng để làm gương, dìu dẫn tất cả chúng sanh muôn loài thoát ly khỏi lầm mê sanh tử luân hồi. Họ có đầy đủ khả năng, phương tiện có thể cứu giúp được bất cứ ai, bất cứ người nào, bất cứ loài nào, bất cứ giờ phút giây nào trong cuộc đời của họ, đó là người chúng ta cần.

Những khổ cảnh của chúng sanh trong thế giới loài người không phải dành cho những người có chức trách lãnh đạo các quốc gia, mà các tôn giáo và tất cả chúng ta sẽ là người chịu trách nhiệm. Đây là một cộng đồng sống trên quả địa cầu, việc thịnh suy tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm, để chuẩn bị cho một thế hệ tương lai của xã hội loài người sắp tới. Những người chuẩn bị cho ra đời những đứa con, nếu nói họ chẳng dính gì tới mình thì xin thưa không phải, năng lượng rung động của chúng ta có sự tương quan tương đồng với nhau, không phải biết chuyện thiên hạ mà mình không cần quan tâm. Chúng ta không thể tách rời đời sống của mình với đời sống cộng đồng, nếu ai nghĩ chúng ta có thể tách rời hết mọi thứ để sống riêng một mình thì người đó không có trí tuệ.

Chúng ta đang ngồi trên chiếc ghế, ăn một bữa cơm, hít thở không khí, mỗi mỗi đều có sự tương thông gắn kết với vũ trụ này. Một ý niệm tốt hoặc xấu, nó tạo ra một loại sóng âm ảnh hưởng tới từ trường của vũ trụ chúng ta đang sống. Có khi chúng ta tới chùa cảm nghe sự thanh bình, vì tâm lực của các vị tu hành tốt phát ra sóng từ yêu thương, bao dung, che chở, xoa dịu sự nóng bức, khó chịu, mệt mỏi khiến chúng ta có cảm giác bình yên.

Xã hội của chúng ta đang rất loạn lạc, con có thể giết cha mẹ, bạn bè có thể giết nhau; dòng tộc, bà con, anh em ruột không thể tin nhau được nữa, đạo đức đã sa sút trầm trọng. Đi đâu chúng ta cũng gặp những hoàn cảnh khổ, những cảnh thương tâm, mình chỉ nhìn thôi chứ không làm được gì cho xã hội. Điều chúng ta mong mỏi tương lai thế hệ trẻ sẽ là những người hiểu biết, có trí tuệ, là bậc phạm hạnh, đầy tình thương, đầy tài năng trí tuệ có thể cứu giúp tất cả chúng sanh muôn loài.

Đời người có ba giai đoạn tối quan trọng là ở trong thai mẹ, khi được sanh ra và nuôi dạy lớn lên. Giai đoạn thứ nhất là chúng ta có mặt trong thai mẹ, những ông cha bà mẹ quên đi chuyện muốn có một đứa con giỏi, thông minh, tài ba, lỗi lạc, nổi tiếng, giàu có, mà phát khởi ý nguyện có đứa con khỏe mạnh, tốt, cho xã hội bớt đi những khổ đau. Muốn vậy khi người mẹ chuẩn bị nhận thiên chức làm mẹ phải xứng đáng với thiên chức đó, phải chuẩn bị một chế độ ăn uống lành mạnh trước sáu tháng cho tới một năm để tẩy rửa những thức ăn nhiễm độc trong cơ thể.

Về tinh thần nếu chúng ta theo đạo Phật nên khấn nguyện: “Con tên, tuổi, vợ hoặc chồng, con thấy trần gian này có quá nhiều khổ đau, cần có người đầy đủ phạm hạnh, trí tuệ, đức độ, tình thương, tài năng cứu giúp. Con nguyện các bậc trên trước, các vị Bồ Tát mượn thân chúng con để ra trần gian này cứu độ trần gian thoát khỏi lầm mê sanh tử. Chúng con nguyện trọn đời phụng sự, lo lắng, nuôi nấng người này đạt đến trí tuệ tột bậc để cứu giúp trần gian này. Bậc cha mẹ mỗi ngày mỗi tác ý đó, giống như mở cửa hướng nào gió hướng đó thổi vào. Tâm chúng ta sẽ kết nối được tâm các vị Bồ Tát, muốn xin một vị Thánh thì tâm cha mẹ phải là Thánh, đòi hỏi bậc cha mẹ phải một năm tu hành tinh tấn từ vật chất cho tới tinh thần, phải thể hiện sự thánh thiện, vị tha, thương người, một cách tốt đẹp và cao thượng. Khi có sự tương duyên, tương quan, tương đồng đẳng cấp thì người ta mới tới với mình.

Các bà mẹ sinh ra các vị Thánh đều là những bà mẹ tuyệt vời như bà hoàng hậu Ma Da mẹ của thái tử Tất Đạt Đa, bà mẹ Ngài Lục tổ Huệ Năng, để đứa con mình đi tu một cách êm đềm, không làm cho đứa con có chút lưu luyến bận lòng.

Có một sự cộng nghiệp của bà mẹ và đứa con, nếu mình có chút tác ý phàm phu tục tử, nhỏ nhen, ích kỷ sẽ có loại phàm phu tới nó chui vô bụng mình; nếu chúng ta tác ý thánh thiện thì bậc cao thượng sẽ tới. Cha mẹ nào không có lực tu thì không đủ sức chuyển nghiệp đứa con mình. Nếu người mẹ ăn những món tốt thì đứa bé đó được sinh ra đời tốt đẹp, cả cuộc đời còn lại của nó sống trong sung sướng hạnh phúc, còn bà mẹ thèm những món ăn xấu và âm thì đứa bé sinh ra nhiều bệnh tật khổ đau. Có khi nghiệp của đứa bé thể hiện sự ngu tối của nó khi vào thai mẹ, nếu người mẹ không tu không có định lực thì không vượt qua cơn thèm, có khi ăn chay trường nhiều năm cầu để sinh con. Bữa ăn của bà mẹ sẽ quyết định trọn vẹn tương lai của đứa con mình, cũng có nghiệp của đứa con tác động khiến bà mẹ phải ăn như vậy.

Mỗi đêm chúng ta nên ngồi thiền lắng tâm thanh tịnh, giữ sự bình yên nơi tâm hồn từ nửa tiếng cho đến một tiếng đồng hồ. Muốn có một đứa con tốt thì cha mẹ phải tốt từ trí tuệ, tinh thần, cho tới thể xác. Tinh thần lạc quan, yêu đời, hiểu biết, có tình thương đối với nhân loại chúng sanh.

Khi bỏ con vào dạ thì mạ phải tu”, nhận thiên chức làm mẹ là bắt đầu chúng ta đi vào con đường thánh thiện một cách tuyệt đối, nuôi con mình bằng giọt máu của Thánh Hiền, bằng trí tuệ tâm linh của một bậc Thánh, không để bất kỳ tâm phàm nào lọt vào trong suốt chín tháng mười ngày mang thai. Không rời câu niệm Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát, tập lễ kính chư Phật sâu tận trong thâm tâm mình, để đứa bé sau này không có tâm cao ngạo. Chúng ta dạy nó từ trong thai và suốt bảy năm đầu đời thì đứa bé sau này rất khiêm cung, khiêm nhường, lễ độ, kính trên, nhường dưới. Bà mẹ lập thời khóa công phu sáng, trưa, chiều, tối tọa thiền. Sáng có thời tụng kinh, rồi một thời nghe pháp. Người mẹ phải tu như một tu sĩ nhập thất chuyên tu.

Bà mẹ không cần uống thêm chất sắt hay sữa, ăn uống dưỡng sinh là đủ rồi, không thiếu chất gì. Tối ngủ vẫn có thể mở pháp nghe suốt đêm, vì bà mẹ ngủ nhưng đứa con trong bụng chưa chắc đã ngủ. Bà mẹ đừng bao giờ nói những lời thô lỗ, đừng nghĩ những điều vẩn đục, nên làm từ thiện lợi ích nhiều người, tâm vị tha, sống cho thiên hạ không còn riêng tư nữa. Điều quan trọng là bà mẹ biết đủ mà không thèm thuồng, sống như thế nào cũng được, ăn như thế nào cũng đủ, không cảm giác là còn thiếu. Càng nhai lâu nhai kỹ thì bổ dưỡng càng cao, chứ không phải ăn nhiều bổ dưỡng nhiều.

Sinh hoạt hằng ngày bà mẹ gói gọn trong gia đình, nếu có công tác bên ngoài cũng đừng cho ảnh hưởng tới mặt tinh thần. Người chồng buộc phải bọc người vợ của mình rất kỹ, vì bà vợ đang mang Thánh thai. Phải gìn giữ vị Thánh cho đến ngày đón chào vị Thánh này ra đời một cách trọn vẹn, đừng nghĩ đó là giọt máu của mình, là con của mình, mình có thái độ thế này thế kia là không tốt. Dứt khoát không gieo vào não bộ đứa bé bất kỳ một ý tưởng xấu nào, vì từ khi thai nhi hình thành cho tới khi ra đời nó trải qua ba tỷ năm sinh vật. Một ngày một đêm thai nhi ở trong bụng mẹ, bà mẹ mang thai vừa ăn uống, vừa nuôi dạy thì bằng sinh ra đời nuôi dạy con tới ba tỷ ngày, tương đương ba trăm mấy chục năm thì chắc chắn không có trường lớp nào có thể dạy kịp. Không có trường học nào bằng bào thai của bà mẹ, những cái khôn nhất của vũ trụ này nằm hết trong thai của bà mẹ. Nếu bà mẹ biết nuôi và biết dạy con một cách đúng đắn thì đứa con này ra đời không thua ai về mặt tri thức và kiến thức.

Từ khi mang thai cho tới khi sanh con, vợ chồng tuyệt đối không được  gần gũi nhau, chỉ chăm sóc nhau, một giọt tinh trùng rớt vào tử cung là đứa bé đó sẽ bị mù tối liền, không thể đạt được những thứ chúng ta muốn. Người cha cũng phải sống đời sống tốt, tập tu chút chút. Vì bà Thánh nữ này chuẩn bị sanh ra một đồng tử thánh thiện, chúng ta đón chào điều cao quý nhất của trần gian này chuẩn bị có mặt trong gia đình mình, không phải đón chào một đứa trẻ thơ như hồi xưa tới giờ. Tất cả những gì trân trọng quý mến nhất chúng ta trọn vẹn dâng hiến xem như một sự cúng dường bậc Thánh, mong rằng vị Thánh này ra sẽ cứu độ trần gian này. Sanh tự nhiên là tuyệt vời nhất, có khi mấy ông đi ngang hông là sinh mổ thì phải chịu.

Khi sinh con bà mẹ đạt được cảnh giới phúc lạc chứ không phải hạnh phúc bình thường, không phải đẻ đau. Sanh đẻ mà đau đớn thì không còn nghĩa của dưỡng sinh, nếu thuận với thiên nhiên đều đem lại an lạc và hạnh phúc, còn sống trái thiên nhiên chúng ta sẽ bất hạnh khổ đau. Người con này ra đời dứt khoát phải mang đến hạnh phúc đầu tiên cho bà mẹ mình, và đủ sức đem đến hạnh phúc cho tất cả mọi người. Chúng ta nên để yên cho bà mẹ nằm hưởng cảnh giới phúc lạc đó từ một tiếng, hai tiếng, nhiều tiếng đồng hồ trong ngày đó. Bà mẹ gần như nằm ở trạng thái thiền bất động, sau đó bà mẹ được khai mở được tâm trí, có khả năng hiểu thấu đạo lý, chân lý. Nếu bà mẹ sống đúng với tự nhiên, khi sanh một mầm mới là đại phúc đức hưởng khoảnh khắc như người tu bình thường trước khi ngộ đạo phải chết ngũ uẩn.

Bà mẹ phải cho đứa con bú giọt sữa đầu, không được nặn bỏ, vì đứa nhỏ chín tháng mười ngày nằm trong thế co quắp, ruột nó bị ép lại, nên trời sanh bà mẹ có loại sữa chua cho nó bú để nó đi tiêu chảy khai thông đường ruột. Chúng ta nuôi con bằng tình thương yêu quý trọng cuộc đời này, xã hội này, loài người này để đứa bé có tâm tốt. Nếu đứa bé lớn lên trong hụt hẫng, thiếu thốn tình cảm của mẹ, của cha, của gia đình, nó sẽ hận cuộc đời, nó sẽ trả thù xã hội và trở thành người xấu. Suốt quá trình cho con bú sữa mẹ với chế độ ăn của bà mẹ (buổi sáng nên ăn bài cháo bổ dưỡng với món tecka, bài 37 trang 63 trong quyển STay Dưỡng Sinh, gồm gạo lứt, đậu đỏ, hạt sen, hạt kê, hạnh nhân, óc chó, bí đỏ và phổ tai. Bài cháo này bổ dưỡng cơ thể, bồi bổ được não bộ, khang kiện thể chất và tinh thần đối với trẻ em và người già. Trưa ăn gạo lức muối mè nhai kỹ để khôi phục não bộ, chiều uống sữa ông Thầy gồm các cốc loại xay nhuyễn để máu huyết được trong sạch tinh khiết) là bảo đảm không thiếu cái gì. Có thể tăng các loại hạt trong cháo, trong sữa, thêm tecka là đủ.

Đứa bé khi sanh ra chúng ta phải áp dụng liền chuyện nuôi và dạy trẻ. Ngày đầu tiên được sinh ra trong cõi đời này đầu đứa bé trắng như tờ giấy trắng, chưa có so sánh phân biệt, tâm rỗng lặng thênh thang, bỏ cái gì vô dính cái đó. Chúng ta bắt đầu đọc sách nói về triết học Đông phương, triết học Tây phương cho đứa nhỏ nghe nó mở mang trí tuệ về cái nhìn nhân sinh quan, vũ trụ quan, về khoa học, về xã hội, về địa lý, về thiên văn, về tất cả những gì cần thiết cho cuộc đời của một con người. Chúng ta đọc những quyển Kinh Đại thừa, những luận Tổ. Chọn tiếng Anh, hoặc tiếng Hoa và lên chương trình học.

Sau khi em bé bú xong buông ra nằm đó, mình nói con ơi bữa nay mình bắt đầu học bài thứ nhất của tiếng Anh, ví dụ vậy, nghiêm túc học đúng một tiếng đồng hồ, khi kết thúc mình nói bữa mai mình học tiếp nha con, mình dặn nó đàng hoàng.

Bữa sau học Phật pháp mình đọc Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm thứ nhất bây giờ mẹ con mình học nha con, học xong phẩm thứ nhất rồi ngày mai mình sẽ học phẩm thứ hai nghe con. Chương trình gì đưa ra để học là buộc mình phải dạy từ đầu cho tới cuối, mình phải học một lượt với nó. Hoặc đọc Luận ngữ, hoặc đọc Nội kinh Hoàng Đế, hoặc học hệ thống Kinh Nguyên thủy, Trường Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh, Tiểu Bộ Kinh. Học bài thứ mấy, trang thứ mấy, theo trình tự, không được quyền nhảy chữ, không được quyền ngắt đoạn, mình phải đọc rất kỹ, không được sai sót. Nếu trong chín tháng mười ngày mà chúng ta được học suốt như vậy và ra đời tiếp tục dạy nữa là quá tuyệt vời.

Mặc dù em bé ấy cứ nằm chòi chòi giãy giãy không biết gì, nhưng không phải là không ghi nhận. Nó ghi không sót một nét, bao nhiêu cái khôn của thế gian dồn vô chưa tới đâu cho cái đầu của nó. Do từ nhỏ chúng ta không có khai được nên lớn lên mình học kiểu đóng bít, so sánh, thuộc lòng, chọn lựa, là học có tí xíu, học không tới đâu. Lúc mới sinh là lúc chúng ta được quyền bỏ vô  bầu hư không trí tuệ của nó. Đối với đứa bé thì nó không có ngày đêm, mệt là nó ngủ, bú rồi nó nằm đó nghe. Nuôi và dạy phải song song, nuôi với thực phẩm thực sự tinh khiết tốt đẹp, dạy bằng những kiến thức cần thiết nhất bảy năm mới trọn vẹn một chu kỳ tế bào gốc của một kiếp người. Sau đó chúng ta muốn cho con đi học trường lớp nào thì tính sau. Đứa bé sống trọn vẹn trong tình thương của tình mẹ con thì không có tình nào có thể so sánh được, lớn lên nó cảm giác đầy đủ.

Từ tháng thứ sáu trở lên bắt đầu nó mọc một vài cái răng mới tập cho ăn dặm. Ăn những loại cháo và cơm mẹ nhai, không được quyền đút ăn tự nhiên. Cho tới khi nó dứt sữa hoàn toàn, răng mọc đều nó mới dùng răng đó tự nuôi sống cơ thể nó và nhai tự nhiên. Làm sao cho nó hấp thu nhựa sống của cha và mẹ bằng nước bọt của cha mẹ. Những đứa trẻ bị cắt sữa sớm lớn lên cha và mẹ phiền lắm, nó sẽ dứt tình với cha mẹ nhẹ nhàng lắm, nó sẽ nhìn cha mẹ lạnh lùng dễ dàng không có thâm tình gắn kết. Khi đứa bé được sáu tháng cho tới hai tuổi chúng ta tập cho nó thấy, mình nói với nó cái này là bông hồng, nó vừa thấy, vừa nhận định chữ và nét chữ, vừa được đọc bằng âm thanh đó. Ví dụ nhìn cái đèn thì chúng ta cho nó thấy chữ cái đèn và đưa cái đèn ra cho nó thấy. Đứa bé lớn lên sẽ hiểu rất nhiều điều, sẽ trở thành bậc thông minh kiệt xuất sau này. Chúng ta sẽ bất ngờ khi nó nói Kinh Nguyên thủy, Tăng Chi Bộ Kinh trang thứ mấy, bài gì, Đức Phật nói cái gì, nó sẽ nói cho mình nghe.

 Muốn hình thành con người một cách trọn vẹn, hình thành một tri thức lớn của nhân loại là phải dạy từ trong bụng mẹ. Câu người xưa nói: Dạy con từ thuở còn thơ là muôn thuở đúng, không có sai. Chúng ta tập nó sống có nguyên tắc, mình ngồi nghiêm túc đọc cho nó nghe một bài Kinh thì nó cũng phải nằm yên đó nghe. Khi quen rồi tự động nó sẽ im thin thít nghe chúng ta đọc, nghe chúng ta dạy. Không phải chúng ta ép nó vào khuôn, con nít dễ đi vào nguyên tắc hơn người lớn, từ nhỏ chúng ta tập như vậy thì lớn lên nó nghiêm túc tốt hơn người lớn, nhân cách nó được chúng ta hình thành từ nhỏ.

Xã hội sẽ có hàng loạt những đứa trẻ tuyệt vời. Tất cả chúng ta đều mong thế hệ trẻ sẽ tốt đẹp hơn chúng ta bây giờ, ai cũng mong muốn có một xã hội tương lai tốt đẹp, đều phải có những nhân tố tốt đẹp, có những con người tốt đẹp thì xã hội mới tốt đẹp được. Một đất nước chỉ cần bốn đứa trẻ đạt được chuẩn này sẽ thấy đất nước đó tuyệt vời. Đây là một đề tài lớn cho cả nhân loại, chúng ta cần nghĩ tới chuyện đào tạo một vị Thánh, những bậc Hiền triết, những con người có trí tuệ, có đầy đủ phạm hạnh và tình thương trong tương lai. Những người tu hành không có dính dấp gì chuyện này, nhưng trách nhiệm là hướng dẫn, tư vấn cho những người thân trong gia đình mình, cho những phật tử của mình, cho những người có duyên với mình để có ra đời những người cần thiết cho xã hội trong tương lai.

(Trích lời giảng của Tôn Sư TT. Thích Tuệ Hải)

                                                                                                                                                   Ban Biên Tập

Bài viết liên quan