Lược Giảng CỘI KHẾ

  • Đăng bởi: Ban Biên Tập
  • |
  • 27/05/2023

CỘI KHẾ

(Tuổi thọ 4,5 trăm năm)

 

Khế lý khế cơ khế ứng thiên

Khế thông Phật Tổ khế chúng sanh

Khế ứng tử sinh khế Niết Bàn

Khế cả tam thiên khế ứng Như.

 

Sáng tác năm 2014 Giáp Ngọ

   (Tác giả: Vô Trụ Thiền Sư)

 

“Khế lý khế cơ khế ứng thiên”. Câu này nghĩa rộng lắm có thể nói cả đời không thể hết được. “Thiên” không có nghĩa là trời mà là thiên biến vạn hóa. Có nghĩa, từ Phật cho tới Bồ Tát, cho tới A La Hán, cho tới Bích Chi Phật, tất cả các cõi giới từ địa ngục cho tới chư Phật, cho tới chúng sanh đều khế ứng. Khế ứng đó phù hợp với chân lý, phù hợp với trình độ căn cơ của tất cả chúng sanh muôn loài. Khi nào tâm mình khế ứng và tương thông với tất cả cảnh và tất cả cõi thì mới gọi là “khế lý khế cơ khế ứng thiên”.

Ví dụ, trong đời sống đời thường mình sống sao cho phù hợp, người đó khó mình sống theo kiểu khó, người đó dễ mình sống theo kiểu dễ, hoàn cảnh như thế nào mình sống tương ưng với hoàn cảnh đó. Ứng hợp với câu Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ nói hết sức đơn giản: Sâu thì vén áo chừ cạn thì nhón gót. Dùng thì phô ra bỏ thì ẩn tàng.

“Khế lý khế cơ khế ứng thiên” là không có chỗ nào mà không khế ứng, không có chỗ nào mà không hòa hợp, không có chỗ nào mà không hòa nhập. Một người mà tất cả hoàn cảnh thuận nghịch họ cũng có thể sống an nhàn tự tại, hòa hợp, khế ứng, dung thông không ngăn ngại, không có bất kỳ cái gì chướng ngăn.

Ví dụ, bây giờ mình đang ở cõi người cần xuống cõi thấp hơn là súc sanh để có thể độ loài đó, là họ nhập vào cõi đó sống một cách tương đồng gọi là Đồng sự nhiếp. Họ xuống cõi đó sống một cách tự tại an nhiên không hề có chút gợn lăn tăn. Với họ, trong Tam giới này không có bất kỳ cõi giới hay cảnh giới nào họ tới mà khó khăn cả. Về đạo lý thì họ nói kiểu nào cũng phù hợp với chân lý, phù hợp với căn cơ và trình độ của chúng sanh, gọi là khế lý và khế cơ.

“Khế ứng thiên” là thiên ứng vạn hóa. Tất cả những sinh hoạt dù nhỏ nhiệm nhứt trong bất kỳ cõi giới nào, người đó tới đều khế ứng và hòa hợp. Ví dụ, trong hội chúng này lần đầu họ tới gần hai ngàn người là họ biết họ phải sống như thế nào, và trong thoáng chốc tự động họ hòa với chúng này, không có sự sốc chỏi, không cảm giác khó khăn. Hoặc họ sống năm bảy mươi năm cõi người, bỗng dưng họ không thèm sống cõi đó nữa muốn về cõi Trời sống chơi với mấy ông Trời vẫn chơi được, tuyệt đối khế ứng không có sượng. Tức là phước báu người này không thua người cõi Trời. Thậm chí qua cõi Bồ Tát vẫn không hề thua kém, tương tầm với nhau, khế ứng với nhau, dung thông với nhau, hòa hợp với nhau. Muốn lên tới cõi Phật cũng đủ sức khế ứng.

Sống trong cõi giới Phật, không có gì có thể ngăn ngại họ, không có gì có thể không khế ứng, không có gì có thể không hòa hợp. Đây là một tiếng hống sư tử thực sự. Chuyện rất nhỏ họ cũng có khả năng khế ứng, dù là thuận nghịch giữa trần gian này.

Ví dụ sống trong chùa mấy chục năm quen rồi, bây giờ ra chợ sống coi ra làm sao, cũng không có chút gợn nào. Dù cái chỗ đó bận rộn, dù cái chỗ đó sốc nổi, ồn ào, náo nhiệt mà họ tới là khế ứng hòa hợp. Hòa nhưng không đồng.

Rõ ràng khi một người hiểu đạo lý ra chợ nó khác với người không hiểu đạo lý. Họ không chia phe chia phái giữa chợ được. Tới người nào họ sẽ có câu lời, có cách cư xử phù hợp với người đó nhưng không có đồng. Thành ra người này đi đâu cũng không có sốc nổi, hơn thua. Tới đâu cũng hòa hợp, tới đâu cũng tương ưng, tới đâu cũng khế ứng. Người đó đủ bản lãnh đi vào tất cả cõi giới từ cõi chư Phật cho tới lục đạo luân hồi. Người này xuống địa ngục không có nghĩa là bị đọa. Súc sanh người này thừa sức xuống chơi, cõi ngạ quỷ cũng sẵn sàng tới lui tự tại. Ba con đường ác họ tới vì nguyện, và họ sống rất phù hợp, họ là con ngạ quỷ đói như tất cả con ngạ quỷ khác. Ở địa ngục họ giống như tất cả người khác, nhưng không phải bị đọa đày khổ đau. Họ thừa sức bỏ thân nơi cõi giới đó để cứu người khác.

Có điều hay là người khác không bao giờ nhận ra được. Ví dụ, họ tới cõi người làm người, thì họ cũng là đứa bé bú sữa, rồi mẹ cũng ẵm bồng, chập chững tập đi tập nói từng tiếng giống như người thế gian không khác gì hết, nhưng trong họ có một cái không giống người đời. Sống thì sống chứ họ không dính. Kiểu gì cũng không thể dính.

Họ nói tình cảm thì tình cảm họ sâu hơn người đời nhưng không dính. Họ nói tiếng yêu thương thì họ sẽ thông cảm và yêu thương sâu hơn người thế gian, nhưng không thể dính trong đó được. Không thể có cõi nào trói cột được người này. Người này tự tại đi sâu trong tất cả cảnh cõi, thập phương thế giới họ thừa sức lui tới.

“Khế thông Phật Tổ khế chúng sanh”. Đối với Phật Tổ và chúng sanh họ đều khế ứng, tương thông, không lầm, không lỗi nhịp. Bài kệ này hơi ăn to nói lớn.

Cõi giới Đại Giác Thế Tôn như thế nào, người này đủ sức để giác ngộ tương tầm, không bao giờ bị lầm lẫn. Họ có thể hòa nhập trong cõi giới Phật. Muốn sống kiểu chúng sanh ăn như thế nào, uống như thế nào, ngủ như thế nào, người này thừa sức sống, thừa sức làm, thừa sức hòa đồng trong đó, không lỗi nhịp.

Nếu sống kiểu giác ngộ của Phật, của Tổ, của chư Đại Bồ Tát là họ thừa sức sống theo kiểu đó. Muốn nhìn người này bất kể ở góc độ nào họ sẽ hiện góc đó ra. Thành ra Thiền Sư là không còn chỗ đứng. Muốn nhìn họ Thiền Sư họ sẽ lộ kiểu Thiền Sư. Muốn nhìn họ kiểu A La Hán họ sẽ lộ hình A La Hán. Muốn nhìn họ Bồ Tát họ sẽ lộ hình Bồ Tát. Muốn nhìn họ là Phật họ sẽ lộ kiểu Phật. Muốn nhìn họ phàm phu họ sẽ lộ kiểu phàm phu. Muốn nhìn họ kiểu thấp hơn phàm phu họ sẽ lộ kiểu thấp thỏi. Nhìn họ kiểu nào họ sẽ ra kiểu đó cho mình thấy. Muốn nhìn họ góc nào thì họ liền hiện góc đó. Họ không là cái gì cả. Muốn thấy họ thánh thiện là mình không tìm thấy ở họ dấu tích ô nhiễm nào. Nhưng muốn nhìn họ trần tục là họ trần tục còn hơn mình nữa. Họ sẽ ô nhiễm mình thấy chán chết luôn.

Muốn nhìn họ góc nào, thì họ lộ góc đó tương ưng với tâm của mình. Họ thừa sức làm những chuyện đó, nhưng rõ ràng họ không phải Phật, họ không phải Tổ, họ không phải chúng sanh, họ không là ai hết, nhưng mà ai họ có khả năng khế ứng.

“Khế ứng tử sinh khế Niết Bàn”. Họ muốn tử là tử, muốn sinh là sinh, muốn Niết Bàn là Niết Bàn. Họ đi vào các cõi không có chỗ ngăn ngại, tự tại vô quái ngại từ cõi Niết Bàn cho tới cõi sanh tử. Có người muốn chết ngồi đây chết nhưng chưa chắc nhập Niết Bàn. Nhưng họ muốn Vô Dư Y Niết Bàn hay Hữu Dư Y Niết Bàn không có chút ngăn ngại.

Muốn nhập Niết Bàn theo kiểu các vị A La Hán, kiểu các vị Bồ Tát, kiểu các vị Bích Chi Phật là họ thừa sức. Tất cả các cõi với họ đều là sự dạo chơi tự tại, không hề ngăn ngại. Tự tại sanh tử mà không tự tại Niết Bàn là chưa đúng.

“Khế cả tam thiên khế ứng như”. Khắp Tam thiên đại thiên thế giới chỗ nào họ cũng khế ứng, chỗ nào họ cũng hòa nhập. Chỗ nào họ muốn cũng được, muốn thành cây cột, muốn thành cọng cỏ, muốn thành hòn đá, muốn thành làn gió thoảng, muốn thành nắng sớm, muốn thành mưa chiều, muốn thành giông tố, muốn thành bão bùng, muốn thành núi non, muốn thành sông nước, muốn thành bất kỳ thuws gì cũng có khả năng thành cái đó tức khắc. Khắp cả Tam thiên muốn khế ứng việc gì họ đều khế ứng.

Người đó đủ năng lực hòa nhập tất cả cảnh giới khi đã khế ứng với “như như”. Và cái như như đủ khả năng để khế ứng với tất cả mọi điều. Từ chỗ “như như” này mà ra. Thành ra kết cuộc của nó là gì?

Từ chỗ khế ứng “Như Như” cho nên chạm cái gì nó cũng thành Như. Muốn như Phật thì liền thành Phật như Đức Phật. Muốn như chúng sanh thì liền thành chúng sanh như chúng sanh.

Không phải “Như Như Tự Tánh” là bất động. “Như như” là cái gì hết sức linh thông, biến động, vi diệu, không tạm dừng, không đứng vào bất kỳ vị trí nào. Không phải “như” là bất động, không đi đến đâu không về đâu, không phải là cái chết ngắc khô cằn. “Như” linh thông, mới mẻ tuyệt đối, luôn khế ứng, khế hợp với tất cả cảnh cõi trong Tam giới. Tới chỗ nào thì “Như Như” cũng ứng hiện.

Một trong mười hiệu của Như Lai là Ứng Cúng, là khả năng cung ứng cùng khắp. Muốn cười thì Như Lai hiện cho mình cười, muốn khóc thì Như Lai hiện thành khóc, muốn động Như Lai hiện cho mình động, muốn tịnh Như Lai hiện cho mình tịnh, muốn lớn thì Như Lai hiện cho mình lớn, muốn nhỏ thì Như Lai hiện cho mình nhỏ, muốn ngủ gục Như Lai hiện cho mình ngủ gục. Chúng sanh cần bất kỳ điều gì Như Lai đều ứng hiện.

Đặc biệt, nếu người nào nhận ra được Như Lai linh thông, sáng suốt, nhiệm mầu, luôn luôn mới thì người đó mới thấy được sự khế ứng khắp Tam thiên này. Đời sống người đó không còn có chỗ nào gọi là ngăn ngại, không còn có chỗ nào gọi là vướng mắc tù đọng, cho nên không bàn tới chuyện sanh tử.

Nói đến sanh tử là nói chơi thôi, tại trong Kinh điển nói và mọi người nói quá thì mình phải bàn. Ngã bên đây là như đây, cúi xuống là như đây, hít thở là như đây, đứng như đứng, ngồi như ngồi, không có cái gì sinh, không có cái gì tử, cái gì cũng “Như”. Như đứng, như ngồi, như hít, như thở, không có gì không “Như”. Chết như chết, sống như sống, không có chuyện gì bàn. Khi họ hòa nhập thành “Như Như” thì bất kỳ chuyện gì họ cũng thành “Như”. Họ đã là “Như” rồi cho nên cung ứng “Như Như” cùng khắp.

Bài viết liên quan