Lược Giảng TẶNG ĐỜI

  • Đăng bởi:
  • |
  • 30/04/2023

TẶNG ĐỜI 

 Tặng nhau nắng sớm tặng mưa chiều

 Tặng nhau vũ trụ mênh mông ấy

 Tặng luôn sanh tử, tặng Niết Bàn

 Tặng cả nguồn vui hiện hữu như.

Sáng tác năm 2012 Nhâm Thìn

(Tác giả: Vô Trụ Thiền Sư)

 

Từ lúc biết đạo cho tới giờ phút này và kể từ hôm lễ Phật Thành Đạo, chúng tôi muốn nói về sự có mặt của chúng tôi trong cuộc đời. Việc chính của chúng tôi chỉ vì đạo lý mà chúng tôi sống, vì đạo lý mà chúng tôi làm việc, vì đạo lý mà chúng tôi tu hành. Vì đạo lý giác ngộ giải thoát chứ không có việc thứ hai. Tất cả những gì cao đẹp nhất mà chúng tôi thấy được, biết được, sống được và có được chúng tôi muốn tặng lại cho đời.

Từ “Tặng” ở đây không có nghĩa là cho. Thay vì từ trong Phật đạo khuyên đời phải buông bỏ, không vướng chấp, phải xả ly, nó là vô thường, là huyễn, là giả… Chúng tôi dùng từ “Tặng” là dùng ngôn ngữ thời đại để nó thoát ngoài từ ngữ Phật giáo, cho nó vừa thân tình mà vừa mới mẻ. Nó cũng có nghĩa là ban cho, có nghĩa là xả ly, có nghĩa là không dính mắc.

“Tặng nhau nắng sớm tặng mưa chiều”. Nắng sớm là khởi đầu của một ngày, mưa chiều là kết thúc một ngày. Từ sáng cho tới chiều, có biết bao nhiêu chuyện của cuộc đời. Khi nắng ban mai trỗi dậy, bao nhiêu là niềm vui tươi hớn hở. Và mưa chiều đầy những buồn thảm bi thương.

Những thuận nghịch, những buồn thương, những giận ghét, những đúng sai, những hay dở của cuộc đời, những thăng trầm của cuộc sống chúng ta đem tặng. Có nghĩa là không có vướng, không có chấp, chúng ta xả ly, không có trụ, không có bám, mình buông cho một cách nhẹ nhàng, không vướng lại. Chúng ta ra ngoài nắng sớm, ra ngoài mưa chiều, ra ngoài những thuận nghịch của cuộc đời, ra ngoài những có không và hay dở, ra ngoài sanh và tử.

Ngay câu đầu tiên là khởi đầu của sự động hóa để đi vào cuộc đời này. Nắng sớm là khởi đầu của vọng thức, khởi đầu của tất cả động niệm. Mưa chiều kết thúc tất cả những vọng thức vọng niệm, thì sinh cũng không có, mà tử cũng không còn, có cũng buông, mà không cũng buông. Vì cái khởi đầu và kết thúc của vọng niệm cũng là không. Hai đầu có và không gọi là nắng sớmmưa chiều. Hai đầu của sự động hóa là sinh khởi và diệt đi. Cái có và cái không, cái khởi và cái diệt, cái còn và cái mất, cái phải và cái quấy, cái đúng và cái sai coi như không, là tặng đời. Vượt qua hai đầu sanh tử cho nên mới tặng được.

Tặng nắng sớmmưa chiều cũng muốn nói tới thời gian. Có sáng, có chiều, có kia, có đây, có quá khứ, có hiện tại, có vị lai, là vừa ra khỏi hai đầu sanh tử và vừa ra ngoài thời gian. Nếu còn có chút khái niệm thời gian là do tâm mình sinh khởi, cho nên mới có thời gian. Phút chốc tâm không sinh khởi thì thời gian tuyệt mất.

“Tặng nhau vũ trụ mênh mông ấy”. Không có thời gian và cũng không có không gian, cho nên mới “tặng nhau vũ trụ mênh mông” ấy. Một người đã ra ngoài ngã và pháp, ra ngoài đúng và sai, ra ngoài hay và dở, ra ngoài phân biệt hai bên, ra ngoài sanh tử thì người đó làm chủ được không gian vũ trụ. Và vũ trụ mênh mông kia cũng không có trong phút giây, người đó vượt ngoài có không.

“Tặng luôn sanh tử, tặng Niết Bàn”. Ở cảnh giới Vô ngã, Vô pháp thì không có thời gian và không có không gian. Người đó đã vượt thoát sanh tử luân hồi rồi nhưng không trụ Niết Bàn. Không dừng cảnh giới Niết Bàn mà tặng luôn. Người đó tự tại sanh tử và tự tại Niết Bàn. Ngay sanh tử này cũng chính là Niết Bàn. Sanh tử và Niết Bàn tuyệt đối không có. Vượt ngoài sanh tử và không trụ Niết Bàn nghĩa là tặng luôn sanh tử và Niết Bàn.

“Tặng cả nguồn vui hiện hữu như”. Trong cuộc đời này không có gì tạo cho chúng ta niềm vui tận nhất của chúng sanh muôn loài khắp mười phương pháp giới. Thành ra, trụ sanh tử cũng không phải, mà trụ Niết Bàn cũng không phải. Nguồn vui tận cùng là cái “như như hiện hữu”.

Muốn nói cả cuộc đời hành đạo của chúng tôi là mang tất cả điều gì để cho mọi người nhận ra nguồn vui hiện hữu đó. Lấy cái “như như hiện hữu” làm niềm vui và làm sự sống cho chúng sanh muôn loài, chứ không có việc khác.

Đến cảnh giới “hiện hữu như” rồi thì mình cũng không trụ sanh tử, không trụ Niết Bàn, không trụ cái “như như hiện hữu”, mà muốn đem nó đến cho mọi người. Trong Phẩm Thường Bất Khinh của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Ngài Thường Bất Khinh nói: “Tôi không dám khinh các Ngài, vì các Ngài sẽ thành Phật”. Muốn đi đến nói với nhân gian, với mọi người và cả cuộc đời rằng sứ mệnh đến đây là muốn dâng hiến niềm vui “hiện hữu như” cho đời, không có việc thứ hai để làm. Muốn cho cuộc đời mọi người ý thức rằng “như như hiện hữu” là niềm vui chân thật, không có cái vui thứ hai. Nếu có cái vui thứ hai trong pháp giới mười phương này đều là cái vui sai trật.

Bài viết liên quan