TRÍ TUỆ VÔ SAI BIỆT CỦA PHẬT ĐẠO & CẢNH GIỚI THIỀN ĐỊNH KHÔNG PHÂN BIỆT
- Đăng bởi: Ban Biên Tập
- |
- 27/04/2022
TRÍ TUỆ VÔ SAI BIỆT CỦA PHẬT ĐẠO
& CẢNH GIỚI THIỀN ĐỊNH KHÔNG PHÂN BIỆT
H í t v à o p h ư ớ c h u ệ v i ê n m ã n T h ở r a t r ò n đ ầ y y ê u t h ư ơ n g
TT. THÍCH TUỆ HẢI
Hiển Hiện Như Nhiên Thiền Sư
Trích bài giảng Kinh Hoa Nghiêm #83
Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=yDQK3ZO9vRc
[Bắt đầu từ phút 1:03:11]
Cảnh giới “không phân biệt” chưa phải là chỗ giác ngộ
Đừng nghĩ rằng khi mình đã diệt hết tất cả những ý niệm phân biệt, mình rớt vô cảnh giới “không phân biệt” thì đó là Đạo. Nếu ở đây như thế thì là sai! Ở đây chúng ta đang muốn nói đến cảnh giới đạo lý theo cách nói của Kinh điển Đại Thừa. Chúng ta muốn nói đi nói lại nhiều lần chỗ này để thấy rằng cái cách chúng ta đi vào định như thế nào. Nếu chúng ta học Thiền để thực hiện công phu thiền định, thì chỗ đó chưa phải là chỗ giác ngộ! Đương nhiên Thiền định là điều mà chúng ta cần phải nếm trải. Tất cả các hành giả đều phải trải qua cảnh giới Thiền định trong đạo Phật, nhưng tùy cảnh giới Thiền định, mỗi lần rớt vào một cảnh giới định nào đó là phải có một bậc Thiện Tri Thức, nếu không chúng ta sẽ bị kẹt và kẹt cái gì chứ kẹt vào cái “không” là sẽ khó gỡ. Rất, rất là khó gỡ! Chúng ta thấy rõ ràng là Ngô Thừa Ân diễn tả bị kẹt tới 500 năm tức là một thời gian rất dài, mặc dầu đã có thần thông rồi, mặc dầu đã ngộ lý “không” rồi, mặc dầu là thiện không ghé, ác không chơi rồi, nghĩa là [như nhân vật Tôn Hành Giả trong Tây Du Ký] được về cõi Trời là quá sướng quá rồi, nhưng dẫu như thế cũng quậy luôn không thèm ở nữa thì đó không phải là một trí tuệ bình thường! Vậy đó mà vẫn chưa phá nổi ngũ uẩn!
Ở đây, chúng ta phải hiểu là đôi lúc khi công phu, chúng ta cũng rớt vào cảnh giới “không phân biệt.” Chúng tôi cũng thấy đôi khi trong lúc ngồi thiền, có một số người có những cặp mắt nhìn như rớt vào chỗ “vô thần”, thì nghĩa là lúc đó mình biết tâm thức họ đang lắng đọng sâu lắm, cái ánh nhìn của họ đã đứng lại. Không còn chuyện quá khứ hiện tại vị lai, trong một khoảnh khắc thôi chứ không nhiều. Thỉnh thoảng trong những buổi kiểm tra thiền, tôi đứng trước một, hai người và thấy đôi lúc họ có “thoáng” qua như vậy.
Nếu bây giờ, chúng ta nói đến cảnh giới “vô sai biệt” thì những người đó sẽ hiểu, tại vì họ đã tới rồi, họ đã lướt ngang qua cảnh giới vô sai biệt rồi. Nhưng đó không phải là cảnh giới thật vô sai biệt ở chỗ Đạo đế mà Ngài Văn Thù muốn nói đâu! Chúng ta đừng có lầm! Chúng ta lầm chỗ này là chúng ta chết và rất nhiều người tu thiền chết chỗ này và không có mấy người đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên để vượt qua. Có khi phải trải qua nhiều đời ở trong cảnh giới này.
Cái “không” đó không phải là Trí Tuệ thật
Các nhà khoa học đã có những lời cảnh báo là trong hư không này, có những lỗ đen, và có rất nhiều phi cơ bay vô rồi đó rồi tan biến, mất hồn mất xác không bao giờ tìm lại được nữa. Và thậm chí biển cũng có những lỗ đen như thế đó. Như vậy, ý ở đây muốn nói đến điều gì? Trở lại công phu thiền định, nếu chúng ta không bước những bước đúng đắn khi chúng ta rớt vào cái “không phân biệt” này thì thỉnh thoảng chúng ta sẽ bị mất hút luôn và khi rớt vào những khoảng đen đó thì Phật cứu mình cũng không nổi. Ở chỗ cảnh giới “không phân biệt” thì mình còn hy vọng được cứu vì mình vẫn còn là người thấy cái không phân biệt, nhưng khi chúng ta bị hút hoàn toàn vào cái “không”, khi đó, không quá khứ, không hiện tại, không vị lai, không thời gian, không không gian… nhưng chỗ đó không phải là chỗ Trí Tuệ thật đâu!
Có một điều rất lạ là mình hay nói với nhau rằng mỗi một lần mình phá một tầng vọng tưởng là một tầng ánh sáng phía trước hiện ra. Cho nên từng bước công phu của chúng ta là từng bước mỗi sáng, mỗi bước mỗi sáng, mỗi sáng… là chúng ta đang đi đúng. Càng đi sâu vào cái “không” nhiều chừng nào là phá mây mù tâm thức nhiều chừng đó, nên cái sáng của chúng ta càng lúc càng sáng ra. Đến khi chúng ta xuyên thấu toàn bộ mây mù tâm thức rồi thì nguyên chân trời ánh sáng lộ ra. Chân trời ánh sáng này hiện ra sáng hơn tất cả những gì mà chúng ta thấy từ trước tới giờ, nhưng cái “không” đó không phải là cái “vô sai biệt” như Phật Tổ muốn chỉ! Đó chỉ là mới rớt vô chỗ “không phân biệt” thôi! Là không còn phân biệt so sánh được nữa.
Nhưng ở chỗ “không còn so sánh phân biệt” được nữa thì chưa hẳn là chúng ta đã vượt qua được cái tầng của ý thức để đạt được trí tuệ! Đây là một điều rất khó. Khi chúng ta tu tập đến chỗ này rồi, thì sẽ phải cần những cái rất chuyên môn để đẩy chúng ta qua, và đây là chỗ rất cần một Minh Sư. Không có Minh Sư thì không có mấy người có thể qua được. Đó là tại sao khi đến giai đoạn chuyên môn thì rất cần Thầy. Không chuyên môn thì không cần Thầy. Khi đi sâu vào chuyên môn rồi thì chỉ có cặp mắt của Thánh mới biết mình kẹt chỗ nào. Không thể nói chuyện chơi được. Chuyện bình thường muốn tu làm sao cũng được nhưng khi đã vào chuyên môn rồi thì nếu không phải là một bậc Thánh sẽ không gỡ chúng ta ra được khỏi chỗ này. Vì tôi luôn định mà, buông ra là tôi có thể vô “không” và tôi nhập định liên tục từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều, thậm chí tôi đi đứng nằm ngồi tôi cũng được định luôn nữa. Chưa phải đâu! Đừng nghĩ rằng mình đi đứng nằm ngồi trong định là mình đã đạt được đến cảnh giới “vô sai biệt”, nghĩ như thế là mình sai rồi!
Cảnh giới “Thiền định vô sai biệt” không phải là cảnh giới “Trí Tuệ vô sai biệt”
Đương nhiên cảnh giới “không phân biệt” là ở chỗ hoàn toàn không có ý niệm, ý niệm không bám tới được, không thể chấp giữ được. Nó hoàn toàn vô trụ, nghĩa là khả năng trụ, khả năng trước, khả năng bám của tâm thức không thể tới! Nó gần gần giống như cảnh giới bặt hết tất cả những vọng niệm của định.
Thành ra, đối với định mà “vừa định vừa tuệ” như Ngài Lục Tổ dạy, cũng như cảnh giới “vô sai biệt” này, là một cảnh giới “Trí Tuệ vô sai biệt” chứ không phải chỉ là cảnh giới “Thiền định vô sai biệt.” Hai cái này hoàn toàn khác nhau! Anh đạt được một cái định để anh “không phân biệt” là chuyện khác. Nhưng anh đạt được cái “Trí Tuệ vô sai biệt” thì lại là một cảnh giới khác! Chúng ta phải thấy được điều này. Thành ra, khi đi sâu vô công phu không phải là chuyện đơn thuần. Nếu không có một vị Thầy chuyên môn thì sẽ không thể gỡ mình ra khỏi chỗ này đâu. Tôi hay nói là người nào mê định thì người đó không tu Thiền Tông được! Vì vô định là mê rồi. Cảnh giới đó an lạc không thể diễn tả được đâu. Đã rớt vô cảnh giới đó rồi thì đổi cả thế gian vàng, kim cương… mình cũng không đổi! Tới đó rồi thì tuyệt vời không thể lý luận được đâu. Càng trụ lâu, càng an lạc nhiều. Nhập định được 3 phút thì an lạc 3 phút, được 10 phút thì an lạc 10 phút, và cảnh giới ấy thì thật là khó, vì phải trải qua hằng ngàn năm công phu, chúng ta mới tới được và đương nhiên là chúng ta quý trọng và gìn giữ rồi.
Nhận ra lỗi của sự bám chấp và muốn thoát ra
Chuyện đó không sai. Nhưng sai ở chỗ là chúng ta không thấy cái lỗi là chúng ta đang bám chấp, cái lỗi là ở chỗ “không” mà mình cứ bám hoài. Nhưng thực sự là vì nó quá an lạc nên mình khó ra lắm. Nếu người Thầy không đủ lực, không đẩy mình qua khỏi cảnh giới định đó, và khi mà chúng ta vượt qua cái màn mây mỏng cuối cùng che chắn mặt trời thì chúng ta mới thấy là mặt trời, ở trên mây thì mới sáng như thế nào. Mặc dù chỉ là một màn mây rất mỏng, nhưng nó đủ để có thể che mặt trời. Nó là một cái “không” mong manh, gần sắp vỡ, nhưng nó vẫn đủ để có thể che khuất chúng ta.
Thành ra công phu càng chín muồi, và mình có thiện căn thì khi tới chỗ này, mình sẽ cảm thấy bức bách và mình muốn thoát ra, mình cảm thấy khó chịu và không muốn trụ ở đây đâu. Nhưng có nhiều người thiện căn không đủ thì khi tới đây họ sẽ trụ và trụ lâu lắm. Trụ lâu ở đây là có thần thông. Nhiều người chúng tôi biết có thần thông nhưng đó là không phải, chỉ cần nói qua một câu là biết không phải rồi. Có những cảnh giới định và chúng tôi gặp nhiều người đã từng ở trong định nhiều ngày nhưng mình biết đó không phải là cái mà Phật tổ muốn chỉ! Nhưng mà điều này thì rất là khó gỡ, bởi vì họ chưa thấy mình đủ sức để Thầy đập họ. Mặc dù trên lý luận là họ không thể nào trả lời mình được quá hai câu. Nhưng họ không bao giờ muốn hạ bản ngã xuống để muốn bước qua cảnh giới đó. Họ chưa thấy đó là lỗi lầm thì cũng đành phải chịu thôi.
Khi người hành giả nhìn cách vị Thiện Tri Thức lý luận về đạo lý, cách vị ấy kiến giải về Phật đạo, và nếu người hành giả thật sự quý Phật đạo thì người ấy sẽ thấy kiến giải này mới chính là đạo lý, chứ không còn nói đến chuyện tuổi tác và công phu thì vị Thiện Tri Thức mới có thể giúp được hành giả, nhưng điều này thì hiếm lắm. Một hành giả như vậy, phải có phước duyên ngàn kiếp rồi thì mới dám đưa đầu để cho người khác đập một cái, nhưng điều này thật là khó lắm, bởi vì tới đây thì gần như bản ngã thành núi hết rồi. Bởi vì các vị hành giả này thiền định liên tục, tối không ngủ ngồi kiết già nhập định rồi làm sao mà phá ra? Rất khó phá!
Vượt qua cảnh giới “không phân biệt” thì sẽ chứng Thánh, ngược lại là si định
Cho nên, khi nói tới cảnh giới “vô phân biệt” này thì mình nghe chừng như rất là dễ ăn nhưng ăn không dễ. Vượt qua được cảnh giới này thì chứng Thánh mà không vượt qua cảnh giới này thì mãi mãi là “định” . Thực sự tới cảnh giới này thì chúng tôi rất thích cách diễn giải của Ngô Thừa Ân, phải nói rất là thông cảm với ông. Chắc ông cũng phải mất nhiều năm nhiều tháng trong đó rồi, nên mới diễn tả cảnh con khỉ “ăn như ăn hòn sắt nóng, uống như uống nước đồng sôi” là mình thông cảm liền. Tới đoạn đó thì mới thấy nó quá khổ. Ví dụ như ở trần gian này, mình làm hết cả đời của mình và có được một tài sản khổng lồ. Mình nghĩ bây giờ từ 50 tuổi cho tới 100 tuổi mình chỉ cần nằm hưởng và cả mấy đời con cháu mình hưởng cũng không hết số tài sản đó nữa, nhưng bỗng dưng ngủ qua một đêm, sáng dậy mất sạch! Có thấy khổ không? Khổ thì khổ nhưng cái khổ đó cũng không bằng một phần tỷ của người ở trong cảnh giới này khi họ muốn phá ra. Rõ ràng là thế gian hoàn toàn vô vị. Lúc đó thế gian này là vô nghĩa, là thật sự hết rồi! Muốn có ý nghĩa cũng không thể có ý nghĩa được nữa, vì ở chỗ này nó ách, nó ức, nó nghẹn! Rõ ràng là ăn không được, ngủ không được. Và nếu có thiện căn thì trải nghiệm sự bức bách này xảy ra khi chúng ta rớt vào cảnh giới thiền định.
Phải vượt qua cảnh giới si định để khai tuệ Phật đạo
Rớt vào cảnh giới thiền định thì rõ ràng là an lạc rồi, nhưng anh không có tuệ để thấy rằng chỗ này chưa phải là chỗ giải thoát hoàn toàn. Nếu tới đây mà anh không ức lên thì anh là một người si định. Si định! Đừng nghĩ định là hay. Cho nên có những cách công phu để khi chúng ta vô định là chúng ta sẽ biết cách để qua. Có những cảnh giới thiền định chúng ta không thể trụ lâu, giống như kiểu chúng ta nói cõi ta bà này không phải là cõi để ở lâu. Cũng thế, chúng ta cũng phải vượt qua cảnh giới thiền định này thì mới hy vọng khai được tuệ của Phật đạo. Nếu công phu tu hành, phải nói là công hạnh tu hành nhiều ngàn kiếp của mình đã đủ thì mình mới bắt đầu có tuệ thấy rằng đây là một cái lỗi khi chúng ta rớt vào cảnh giới không còn “ý niệm phân biệt”. Chừng đó thì mới có thể thấy ra, còn nếu không thì có khi chúng ta phải mất một đời hay nhiều đời. Vấn đề là ở chỗ này, nếu bỏ thân này thì sẽ khó nhận thân trở lại lắm. Rồi trong cảnh giới đó, đến một ngày mình biết ra lỗi lầm… nhưng biết chừng nào mình mới thấy? Rớt vào cảnh giới “không” ấy rồi là không thọ thân đời sau đâu! Đó là một “cõi giới”! Và người ta cũng cảm giác rằng mình đang ở sâu trong định trong cõi giới này. Nhưng có khi, khi đến lúc mình đủ duyên lành thì các vị Bồ Tát sẽ tới cõi giới này để phá mình và không thể nói thời gian được nữa. Không nói thời gian được, kiếp người thì không bàn, kiếp chúng sanh khó tái lại ở cái “không” đó, mà càng lắng sâu, lắng sâu thì chuyện phàm phu mình không thể quay lại được rồi. Nhưng ở đó vẫn chưa dứt trừ hết tất cả những chủng tử nghiệp thức trong sanh tử đâu! Chưa, chỗ đó thì chưa đâu!
Đây là một điều rất, rất khó, bởi vì nếu mình không phải trải qua những chuyện khó khổ này thì mình thấy mọi chuyện thường lắm. Nhưng rõ ràng là ai có tu, ai có công phu, ai có dứt trừ được những ý niệm phân biệt, ai đã từng ở trong những cảnh giới không phân biệt, có nghĩa là không còn khái niệm quá khứ, hiện tại, vị lai, không còn thời gian, không gian [thì mới hiểu là mọi chuyện còn khó lắm]. Lạ lắm, ở đó cũng là khoảng “không thời gian, không không gian”. Lục căn tiếp xúc lục trần hoàn toàn không khởi niệm, và ở chỗ này thì họ có những kiến giải vô cùng siêu xuất, nhưng vẫn chưa thấy được sự thật sống động phân biệt hằng hữu hiện tiền!
Thường tại định – sự hiện hữu phân biệt mới mẻ hiện tiền mà không động niệm
Đến một lúc nào đó mà tất cả đạo lý đều là một sự hiện hữu, một sức sống phân biệt mới mẻ hiện tiền sống động mà không hề có động thì lúc đó mới bắt đầu khai tuệ được! Khi đó thì sẽ hoàn toàn ra ngoài cái “yên lặng”. Lúc nào cũng là phân biệt không lầm lẫn ở vạn pháp, mà không hề có một mảy may động niệm nào! Phải đạt tới chỗ “thường tại định” đó thì mới phá nổi [cảnh giới si định này], nhưng muốn tới đó thì đòi hỏi phải có một Minh Sư nếu đây là đời đầu tiên đạt đến cảnh giới này. Có nghĩa là trong sanh tử muôn vạn kiếp của mình, mình chưa có một lần đạt tới cảnh giới này thì đòi hỏi phải có một Minh Sư. Nhưng nếu muôn vạn kiếp về trước mình đã tu tập và có được một lần hoặc hai lần đã trải qua rồi thì không cần Minh Sư nữa, dù mình có quậy kiểu gì rồi thì nó cũng sẽ tan. Vậy cho nên có những đời, có những vị Thiền Sư không Thầy mà tự ngộ thì biết rằng họ đã đạt đến cảnh giới này nhiều kiếp rồi và điều này thì thật là hiếm trong nhân gian, còn đa phần chúng ta thực sự sẽ cần Minh Sư ở những khúc quanh này của đạo lý. Đây là một điều rất quan trọng, chúng ta đừng coi thường chỗ này! Tại vì ở chỗ này có quá nhiều người luôn luôn bị kẹt rồi. Sau thời Đức Phật, người kẹt ở chỗ này không phải là ít.
Chỗ “không phân biệt” này có khi cũng gần gần giống như “Không vô biên xứ”, gần gần giống như “Vô sở hữu xứ” nhưng mà không phải! Cho nên, cách tu thiền định của mình theo cách tu “Tứ thiền bát định” là một con đường khác hoàn toàn để hành giả rớt vào định. Cách dụng công để dứt trừ những ý niệm phân biệt để đạt tới cảnh giới “vô sai biệt” cũng là một con đường để đi vào thiền định nhưng định đó lại khác hoàn toàn. Thành ra, nếu không đủ chuyên môn để tu tập và mình học đạo chưa vững thì tới chỗ này là mình thấy mình “đạt” rồi. Tại vì, sau khi ở sâu trong này một thời gian thì mình có thể biết chút chút quá khứ vị lai và biết nhiều chuyện khác nữa.
Sự nguy hiểm của “thần thông” và cảnh giới “không” như đất đã nung cứng
Càng ở sâu trong cái “không” chừng nào thì lục căn càng thanh tịnh chừng đó, tại vì không còn phân biệt thì nghiễm nhiên lục căn sẽ thanh tịnh, mà lục căn thanh tịnh thì đương nhiên sẽ có thần thông, nhưng mà có thần thông lại càng chết lớn hơn nữa chứ không phải có thần thông là siêu đâu. Vì chưa vượt ra cái tầng này mà có thần thông là chết lớn hơn nữa. Đến một lúc mà mình thấy mình hơn mọi người về nhiều mặt, về lý luận, về trí tuệ mình cũng hơn, mà lại thêm có thần thông nữa thì kể như mình thành là số một của trần gian này, chứ không chỉ là số một của thế giới. Tới đó thì lạy Phật sám hối không kịp đâu, lúc đó là khó lạy Phật sám hối lắm rồi, và vấn đề là đâu ai thấy lỗi đâu mà lạy Phật sám hối. Không ai thấy tới cái lỗi này hết. Như vậy, nếu hành giả này gặp một vị Thầy siêu xuất thì chỉ cần một phát là qua, còn nếu không thì sẽ tiếp tục ở đây hằng hà sa số kiếp về sau.
Chúng ta tưởng tượng giống như cục đất nung vậy. Một cục đất bình thường bỏ xuống nước thì nó sẽ tan sau một thời gian, nhưng nếu cục đất đã nung thành gạch trong những lò gạch tốt thì có khi bỏ xuống nước cả ngàn năm nó chưa chịu tan, coi chừng nó hóa thạch luôn! Thành ra trong cảnh giới “không” là như đất đã được nung cứng, rất là khó ra, bởi vì đây là “Định” mà Định thì khó vỡ hơn là vọng niệm! Cho nên, ở chỗ này thì chúng ta cần cái gì?
“Không phân biệt của ý thức” chưa phải là “vô phân biệt của Tự Tánh”
Trong lời phát nguyện mà chúng tôi đã có nói, mình cầu cái gì? Mình cầu là mình có đầy đủ trí tuệ để phá trừ những vi tế ngã chấp và pháp chấp! Nó thực sự là vi tế! Ít ai thấy ra cái mà mình đang trụ đó chính là cái vi tế ngã chấp, pháp chấp chứ chưa phải là thật đạo lý đâu. Nếu mà không thấy như vậy thì muôn đời không mở trí tuệ! Cho nên đến chỗ đạo lý chuyên môn này thì chúng ta cần phải nói nhiều. Lỡ như có ai mà đã từng vào ra cảnh giới “không phân biệt”, chúng tôi dùng từ “vào” “ra” là bởi vì họ tới cảnh giới “không phân biệt” rồi lại phân biệt trở lại sau khi họ xuất định, hoặc có những người rớt vô cảnh giới không phân biệt trong 1 ngày, 2 ngày, 7 ngày thì đừng nghĩ đó là cảnh giới vô sai biệt của Tự Tánh! Không phân biệt của ý thức chưa chắc là “cảnh giới vô phân biệt của Tự tánh”!
Đối với những người đã đạt đến cảnh giới này, những người cho rằng mình đã ngộ đạo thì chỉ cần hỏi họ một câu duy nhất, không cần hỏi câu thứ hai. Đó là “cảnh giới không phân biệt của bặt ý thức, nó giống và nó khác với cảnh giới vô sai biệt của trí tuệ của Tự tánh ở cái gì?” Ai có thể qua được câu này? Không đơn giản đâu, vì nếu anh chưa thực sự đến cảnh giới thiền định [thì không dễ vượt qua đâu].
Cho nên, đối với một người tu tập thì chúng ta cần phải hiểu biết cảnh giới này. Cho tới lúc mà chúng ta rớt vào một chỗ mà mình “ra không được” không phải là theo kiểu “tìm đường thoát khỏi ngàn đời được đâu” như trong bài thiền kia, không phải như vậy, mà có những đoạn chúng ta rớt vào cảnh giới “không” và chúng ta ra không được. Muốn có cái “có” trở lại cũng không được, và chúng ta phải trải qua một giai đoạn rất dài. Cho nên, nếu đó là cảnh giới địa ngục thì phải chấp nhận [vì vẫn chưa thoát ra được]. Nhưng thực sự nó không phải là địa ngục, nó rất là nhẹ nhàng, rất là thanh thoát, nó cũng là không thân, không tâm, không hơi thở, không ý thức phân biệt nhưng vẫn chưa phải là cảnh giới “vô sai biệt”!
Bặt hết ý niệm là “tướng không” hiện ra chứ chưa phải cảnh giới “Vô Tướng”
Từ trước đến giờ, chúng ta đã nói quá nhiều về cảnh giới “vô sai biệt” nhiều quá rồi, nhưng chúng tôi sợ thiên hạ sẽ bị lầm lẫn cái chỗ bặt hết ý niệm phân biệt là đạo lý! Nên chúng tôi muốn nhắc lại là cái chỗ bặt hết ý niệm phân biệt thì chỗ đó mới có là “tướng không” hiện ra thôi chứ chưa phải là cảnh giới “Vô Tướng”. Cảnh giới “vô tướng” hoàn toàn không có một mảy may phân biệt, so sánh nào thì đúng. Đó là một cảnh giới vô sai biệt, nhưng đồng thời lại tràn đầy trí tuệ để nhìn thấy tất cả vạn hữu đang hiện hình trước nó. Nó hiện tất cả những “tướng có” và “tướng không”, nhưng mà nếu chúng ta rớt ở chỗ cảnh giới “không” kia thì nó sẽ không hiện. Khác nhau một chút đó thôi. Nhưng mà không phải chỉ vậy đâu, còn những chuyện khác nữa, chứ nếu chỉ ngang đây thì không phải là đạo lý đâu! Rõ ràng là cái chỗ “không” kia hoàn toàn không có sức để có thể làm hiện vạn hữu! Còn trong cảnh giới “Trí Tuệ Vô Sai Biệt” thì mọi hiện tướng hoàn toàn hiện nguyên như vậy không thay đổi, nên đó là một cảnh giới khác.
Cảnh giới “Không Vô Tướng” là thấu thoát tướng “có” và tướng “không”
Cho nên, chúng ta phải thấy được chỗ này là một chỗ rất là trọng yếu. Vì nếu chúng ta đi sâu vào con đường tu tập, vào con đường của thiền định mà chúng ta bị “lầm” định thì rất là nguy hiểm. Bên ngoài lầm thì có thể chấp nhận được, nhưng đối với đạo lý mà lầm thì là khó cứu! Như vậy, việc này đòi hỏi một người học đạo phải có một kiến giải chân chánh, phải có Chánh kiến. Khi nói tới Chánh kiến và Bát chánh đạo, và nói tới những chỗ này mà không có trí tuệ thì chưa phải là Chánh kiến mặc dầu đã đạt được thiền định. Có thể đạt được định 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc có thể ngồi hết một đời 50 năm, nhưng nếu vẫn chưa đủ Chánh kiến Phật đạo thì đó chưa phải là Chánh định mà Đức Phật muốn nói! Định đó chưa phải! Phải đến khi nào có được kiến giải chân chánh. Kiến giải chân chánh là phải thấu thoát được cả “tướng không” lẫn “tướng có”, phải vượt ra khỏi được cả cái “định” lẫn cái “loạn.” Phải như vậy thì mới được gọi là Kiến giải chân chánh. Phải thấy được cái cảnh giới không còn “ý thức phân biệt” nữa, chỗ đó là cảnh giới Không (cảnh giới Vô Tướng hay Không Tướng) chứ không phải chỉ là cảnh giới “không có tướng”. Vô Tướng hoàn toàn khác, vì Vô Tướng hiện tất cả các tướng. Vô Tướng là cảnh giới khi tất cả các tướng cùng hiện ra.
Thấy chỗ đang sai biệt mà không phân biệt để bước qua cảnh giới “Vô Tướng”
Chúng ta lâu nay bị cái bệnh “một chiều” quen rồi. Cho nên mình thấy một là tướng “có”, một là tướng “không”, hoặc mình thấy một là “phân biệt”, hoặc là “không phân biệt” chứ mình không thấy được cái chỗ đang sai biệt đó mà không phân biệt. Chưa bao giờ mình cân bằng được trí tuệ này. Dầu mình muốn cần bằng mình cũng cân bằng không được. Bởi vì mình cứ lầm nghĩ rằng mình đạt tới cái chỗ “vô phân biệt” thì đó là đạo lý rồi. Mình lầm biết về điều này như vậy. Sau một thời gian, qua kinh nghiệm học hỏi, nghiên cứu của mình, và sau cả một đời tu tập thì mình lầm thấy chỗ này là đúng rồi đó. Nghĩa là mình ráng thấy như vậy để đúng với đạo lý và có những vị danh sư cũng đang thấy như vậy, đang hiểu như vậy và đang cố sống để được như vậy. Có rất nhiều vị Thiền Sư đủ sức thấy được chỗ vô phân biệt, lý luận về chỗ vô phân biệt, thậm chí đạt được đến chỗ vô phân biệt. Do công phu tu tập mà đạt tới cảnh giới vô phân biệt, và khi tới đó rồi thì họ thấy mọi thứ rõ ràng, thông suốt hơn. Thật tình là tới chỗ đó là thông suốt lắm, lý luận, ngôn ngữ tuyệt vời về chỗ sâu, chỗ “không”, nhưng mà từ chỗ “không” đó để bước qua cảnh giới “Vô Tướng” thì hoàn toàn khác hẳn.
“Trí Tuệ Vô Sai Biệt” không nói Tánh, không nói Tướng
Đối với những hành giả trong cảnh giới “thiền định vô phân biệt” thì họ vẫn còn nói “Tánh” của sắc là không, “Tánh” của không là sắc, tức là họ vẫn còn kẹt vào tánh, tướng. Nhưng tới cảnh giới “Trí Tuệ Vô Sai Biệt” thì họ sẽ có một ngôn ngữ khác, sẽ không còn tánh, không còn tướng nữa. Nếu muốn nói đến lý “Sắc Không” trong Bát Nhã là phải dẹp cái vụ tánh, tướng đi và sẽ phải nói đến cái chỗ sắc “chính là” Không, chứ không phải là “tức là” và cũng không phải là “không khác” nữa. Ở cảnh giới đó thì hoàn toàn biến mất Sắc và Không nhưng vẫn còn hiện diện nguyên vẹn Sắc và Không ở nơi đó. Sắc Không vẫn ở nguyên đó nhưng hoàn toàn không có Sắc, và không có Không thì đó mới là “Sắc Không” thật trong Bát Nhã.
Như vậy, đạt tới cảnh giới “vô phân biệt” này là điều mà tất cả những người tu tập đều phải tới. Đó là cảnh giới thật mà Ngài Văn Thù muốn nói. Đây chính là cảnh giới “Đạo”. Đạo là cảnh giới “vô phân biệt”. Đạo là vô phân biệt. Nhưng xin đừng hiểu theo kiểu phàm phu là mình ráng mình diệt trừ hết cái phân biệt để mình đạt được Đạo. Ngài Văn Thù chưa bắt mình làm kiểu đó và chính Đức Phật cũng không muốn. Đương nhiên nếu mình còn hướng tới sự phân biệt thì đó là sai với đạo lý, nhưng không có nghĩa là dứt trừ các sự phân biệt để đạt tới chỗ “vô phân biệt”. Làm như vậy thì cũng không đúng với đạo lý luôn. Vì làm như vậy là vẫn còn làm theo cái kiểu hai bên.
Không diệt trừ ý niệm phân biệt thì lấy gì đạt tới chỗ vô sai biệt?
Giả sử bây giờ người ta hỏi, “Nếu không tu, không diệt trừ ý niệm phân biệt thì lấy gì đạt tới chỗ vô sai biệt?” Chúng ta có thắc mắc như vậy không? Nếu mình tu mà không thắc mắc câu đó thì không đúng đâu. Phải thắc mắc, phải thao thức về điều này đi! Theo thói thường thì chúng ta phải dứt ý niệm này, dứt ý niệm kia, dứt ý niệm phân biệt nọ, chúng ta phải gạt tất cả những vướng mắc phàm tục để đạt tới cảnh giới “vô sai biệt” thì như vậy mới đúng. Đương nhiên phân biệt là không đúng rồi, mà không phân biệt cũng không đúng luôn. Như vậy thì bây giờ làm sao đúng? Làm sao để vừa phân biệt, vừa không phân biệt một lượt thì sẽ đúng! Bởi vì nếu còn một bên là không đúng. Vậy phải định làm sao mà vừa phân biệt, vừa không phân biệt thì sẽ đúng! Nghe như thế thì gần giống như ba phải, nhưng không phải ba phải, mà nếu cả ba thì đều không phải! Bởi vì nếu có một cái gì đó mà chúng ta thấy rõ ràng là nó đúng thì rõ ràng là cái đó nó sai! Chân lý là không có cái gì đúng mà cũng không có cái gì không đúng! Thì đó mới là chân lý. Chúng ta cần nói đi nói lại chỗ này, bởi vì đối với chúng tôi, chỗ này rất quan trọng.
Định nhập xuất khác với “thường tại định” của Tự Tánh
Nói tóm lại, ai cũng phải tu, pháp nào chúng ta cũng muốn diệt trừ, muốn tiêu tan, muốn hết đi sự so sánh phân biệt nơi tâm thức của mình. Gần như ai cũng phải đi con đường này. Nói tới chuyện tu là chúng ta nói tới chuyện phải dứt trừ ý niệm phân biệt so sánh. Không có người tu nào không muốn làm chuyện này hết. Nếu chúng ta có làm, thậm chí là chúng ta đạt được kết quả như nãy giờ chúng ta đang nói là đạt được tới chỗ mà mình không còn khởi bất kỳ một ý niệm nhỏ nào. Ví dụ như ngồi xuống là định, thậm chí đang đi mà mình muốn định thì định cũng được. Cho nên, cũng có nhiều người nói chuyện với chúng tôi rằng: “Thầy ơi, lúc này tôi định, tôi ra không được!” Chúng tôi trả lời là “Chúc mừng, nhưng mà đáng sợ quá!” Chúc mừng là vì có công để đạt được đến chỗ “không” đó, nhưng rớt vô chỗ đó là đáng sợ lắm chứ không phải chuyện chơi đâu. Nếu muốn “ra” thì nên nói chuyện khác đi, chứ còn nếu nói “lúc nào tôi cũng thanh tịnh” thì đó là chỗ đáng sợ, chưa kể là rớt vào chỗ đen thui kia nữa là còn ghê gớm hơn. Cũng hên là chưa rớt vào chỗ kia. Thành ra nếu nói định mà ra không được là không đúng!
Đương nhiên cái “thường tại định” của Tự tánh là một cái hoàn toàn khác với chuyện nhập định ra không được. Đi đứng nằm ngồi có thể ở trong định không bị động, theo kiểu Ngài Huyền Giác nói, là “đi đứng nằm ngồi thể an nhiên” thì đây là chuyện khác hoàn toàn. Nên nếu mình tu cho tới độ mà mình đạt được một cái định rất sâu, nghĩa là mình đi, mình đứng mà nó vẫn không động, chứ không phải ngồi thiền mới nhập định đâu. Khi người tu đạt tới cảnh giới này, thì họ cũng có thể lý luận là đi đứng nằm ngồi không động, tại vì họ được như vậy thật mà, chúng ta có cãi với họ cũng đâu cãi nổi đâu. Nhưng ở chỗ cái động so với cái định, tức là cái “bất động” trong đi đứng nằm ngồi, thì cái “bất động” này khác với cái “không có động niệm” của cảnh giới “thường tại định” của Tự Tánh. Hai cái này khác nhau! Khi nào chúng ta đủ trí tuệ để biện biệt được cái định này thì mới hy vọng là chúng ta thấy Tánh. Còn nếu không thì cứ nhập định xuất định chơi vài ngàn kiếp, có khi hằng hà sa số kiếp vì rớt vô đây rồi là khó ra lắm. Đời nào mà phước duyên chúng ta quá đầy đủ để khi chúng ta công phu như vậy thì chúng ta mới có thể gặp Thiện Tri Thức. Không thôi là cũng sẽ không gặp trong đời đó đâu, có khi là không gặp được.
Cần Thiện Tri Thức và cần đủ tuệ chuyên môn để công phu
Cho nên, chúng ta công phu tới đó rồi mà tới một ngày nào đó chúng ta thấy rõ ràng rằng chỗ này không phải là tuệ của Phật đạo, nghĩa là thiện căn chúng ta phải lớn lắm, phải cộng hết bao nhiêu đời kiếp tu tập về trước của mình thì mới thấy được như vậy. Mình đã từng hy sinh lo lắng cho đại chúng, phục vụ chúng sanh, phụng sự Tam Bảo, ngày tu sáu thời, lễ lạy sám hối, làm đầy đủ tất cả những điều đó trong nhiều kiếp rồi, bây giờ gom lại thì mới có được chút thiện căn để phá chỗ này. Nếu không thì chẳng thể ra được chứ không phải chuyện đơn giản đâu.
Khi chúng ta thấy chỗ này là chỗ bị kẹt và chúng ta khởi uất ức để vượt qua, giống như kiểu con khỉ Tề Thiên khi rớt vào cảnh giới không phá vỡ được Ngũ Hành Sơn, đó là dấu hiệu thiện căn đã bắt đầu dồn hết vào chỗ này thì rồi mới phá vỡ được. Thành ra từ chỗ “không” mà đạt tới chỗ “Vô Tướng” tức là từ cảnh giới “không phân biệt” mà tới chỗ “vô sai biệt” là một tầng. Mình nói một tầng thì nghe nó thấp nhưng mà rõ ràng là hai cảnh giới phàm, Thánh hoàn toàn khác nhau.
Cho nên, đối với người tu chúng ta, khi đã học vào chuyên môn thì chúng ta phải đủ cái tuệ chuyên môn để công phu. Nếu chưa như vậy thì đừng dụng công. Nếu muốn dụng công thì phải có một vị Thầy. Vị Thầy kêu bước một bước thì mình bước một bước thôi, làm ơn đừng bước bước thứ hai, vì bước thứ hai sụp hố ráng chịu. Chừng nào Thầy dọn hết chông gai hố hầm phía trước và kêu bước một bước nữa thì hẳn bước, chứ đừng tài lanh sẽ nguy hiểm. Mà Tôi thấy nhiều người hay tài lanh lắm, nên cứ chết hoài dọc đường. Ví dụ, trong một đời mình tìm một vị Thầy thì đã khó rồi, mà cái khó nữa là gì? Là mình trung thành với từng lời nhỏ của Thầy là khó hơn gấp ngàn lần! Vì khi mình tìm ra Thầy rồi, vậy mà bản ngã mình vẫn nổi lên. Người ta sẽ nói “tôi cũng biết như vậy rồi, Thầy nói thì tôi cũng làm được như vậy rồi, tôi hiểu rồi.” Vậy là chết liền, cái chuyện mà mình đã hiểu! Người ta sẽ nói “tôi cũng công phu, tôi cũng đã đạt đến chỗ không thân, không tâm, giờ tôi tới Thầy, Thầy bắt tôi làm từ A tới Z, cực quá, thôi bỏ đi, không chơi, Thầy như vậy là không có cao siêu.”
Những bước thiền định căn bản phải đi qua
Phải hiểu định cần là những bước cơ bản, nếu anh không trải qua các bước cơ bản của định, anh là một cao thủ nhiều kiếp rồi, anh ngộ liền thì chuyện đó tôi không dám bàn. Ở đây, chúng ta không bàn tới những cao thủ võ lâm tái lai, nhưng mình chưa phải là người tái lai, thì dứt khoát là những bước thiền định căn bản mình phải đi qua. Để làm gì? Để xây dựng nền tảng thiền định cho hàng ngàn kiếp về sau, chứ không phải chỉ kiếp này đâu. Nếu đời này chúng ta “cà trật cà vuột” (không đâu vào đâu cả) thì không biết đến đời nào chúng ta mới xây dựng được nền tảng thiền định. Như vậy, nếu đời nào mà chúng ta đủ duyên lành để học những điều căn bản, những bước đi chập chững để bước vào con đường thiền định thì hãy tập bước như em bé ba tuổi đi. Không tập bước những bước căn bản thì coi chừng những thứ định mất căn bản. Thật ra, ở trong hư không này rất nhiều những khoảng không lắm, chúng ta dễ bị cuốn vào những chỗ đó với những tâm thức miên man của mình lắm.
Thứ nhất, chúng ta thấy trên nền tảng chưa đủ phước để đi sâu vô thiền định. Bây giờ buông ra để mình ngồi một mình mình, khi mình hướng về Đức Phật thì tâm cung kính của mình tới đâu? Chúng ta kiểm tra lại đi. Mình có dám thương Phật, kính Phật, quý Phật tới mức tận cùng là mình dám bỏ cái mạng này dâng lên Đức Phật nếu cần không? Phật kêu chết đi con thì mình dạ, đi liền không suy nghĩ không? Mình chưa đủ tới trình độ này và nếu như vậy thì nghĩa là căn bản thiền định chưa có! Chỉ cần vậy thôi. Phải chấp nhận bỏ mạng cho Đạo liền. Nếu vị Thầy nói rằng mi chết thì mi mới nhập Đạo, thì chúng ta phải không hề có một nửa ý niệm suy nghĩ,mà ngả ra chết liền… như vậy thì mới có hy vọng. Đó chính là căn cơ nhiều kiếp của mình. Còn bây giờ vị Thầy nói thì chúng ta còn cãi lại và nói không được Thầy ơi, để tôi sắp xếp công chuyện gia đình tôi xong rồi tôi mới chết thì kể như là xong rồi. Kiểu từ từ, từ từ để tuần sau tôi mới nhập định, còn tuần này tôi không nhập được, kiểu đó thì là không được rồi! Có nghĩa là mình phải thực sự coi lại sâu trong lòng của mình bây giờ Đạo có phải là duy nhất không, có thể trả hằng tỷ cái thân mạng này liền bây giờ cũng sẵn sàng trả và không hề có một chút gì luyến tiếc bên sau thì mới được. Phải có những điều căn bản đó trước. Căn bản này không có là không được. Có dám hy sinh nguyên một đêm lạy Phật hoài không nghỉ không ngủ chưa? Người ta ghim vô cái chuyện phá vỡ để được đạo lý từ ngày này qua ngày kia, từ kiếp này qua kiếp nọ, mà không có nửa ý niệm lười mỏi thì tới chỗ này nhập định có thể chấp nhận được.
Thiện căn, phước đức, nhân duyên và vai trò trọng yếu của bậc Thiện Tri Thức
Có những sâu trong tâm thức của mình, mình phải gạn lọc lại để xem đối với đạo lý thì tới giờ phút này nó tới tầng nào rồi? Đương nhiên khi mình hiểu đạo lý thì mình muốn sáng Đạo. Nhưng coi chừng ham muốn sáng Đạo nhanh, cái ham muốn nhanh của mình trở thành tham tâm và nó sẽ gạt mình. Cho nên, những căn bản về nhân quả, nghiệp báo, công phu tu hành của mình là chưa đủ chuẩn. Đôi khi, mình thấy mình cũng công phu giống như người ta, mình cũng ngồi thiền giống như người ta, mình cũng tu tập giống như người ta nhưng tại sao người ta được mà mình lại không được. Có nhiều lý do trong đó lắm, không đơn giản, nhưng phải nói là có một câu chúng tôi cứ hay lặp lại hoài là “thiện căn, phước đức và nhân duyên” chưa đủ, cho nên mình có thể dễ bị đổ vỡ.
Thành ra, khi đi cầu học Thiện Tri Thức, nếu thiện căn của mình kém, mỏng thì có nhiều khi vị Thầy chỉ phá mình một cái, hai cái là mình trốn mất xứ và không biết quay đầu về lại luôn. Đâu phải người nào cũng được đủ duyên ngồi trước mặt Thầy để học đạo. Có khi thiết tha lắm mà một năm Thầy chưa nói mình một câu, tại vì mình “đầy” trong đó rồi thì nói cũng thành thừa. Ông Thầy muốn tìm cách gì đó để làm cho mình “lưng” (vơi) bớt mà mình không muốn “lưng” bớt thì mình ráng chịu thôi. Chuyện thiền định cũng gần giống như vậy. Từ khởi đầu, nếu chúng ta được những hướng dẫn chi tiết để chúng ta bước từng bước đi sâu vô công phu thiền định, có những cái chúng ta đạt được mà Thầy nói sai rồi, thì không có một mảy tơ nào suy nghĩ đến chuyện đó nữa, mà dứt khoát là sẽ bỏ và chuyện đó sẽ không còn xảy ra nơi tâm nữa. Như vậy thì mới đi sâu vào thiền định không sai lầm. Khi nói những chuyện bên ngoài thì cái gì cũng có thể dễ dãi được, nhưng khi bước vào thiền định thì không thể dễ dãi một mảy tơ. Ông Thầy gật đầu là bước tới, ông Thầy lắc đầu là phải dừng lại. Một trăm phần trăm như vậy thì mới hy vọng đi đúng đường chứ đừng ỷ lại, nguy hiểm lắm.
Cho nên, khi đi vô thiền định là phải dè dặt 100 phần trăm, chứ ngay cả 99,99 cũng không được! Phải 100 phần trăm thì những khúc quanh trong công phu mới được tháo gỡ dễ dàng. Cho nên, từ xưa đến giờ khi chúng tôi nói đến nhập thất là phải ở cạnh một bậc Thiện Tri Thức là vì lý do này. Ví dụ, như trong đêm nay chúng ta công phu và chúng ta rớt vô một cảnh giới mới, nếu đó là chuyện đúng thì ngày mai sẽ tiến theo chiều đúng, nhưng nếu nó sai mà ông Thầy không xuất hiện để chỉnh mình là coi như đời này xong rồi đó. Một đêm thôi cũng coi như có thể xong hết một đời của mình chứ không phải nói là trải qua mấy tháng, mấy tuần, mấy ngày gì đâu. Thành ra nếu nói đến chuyện nhập thất chuyên môn mà bên ngoài không có một cao thủ thì đừng có nhập.
Những cảnh giới khi chuyên tu đòi hỏi phải có vị Thầy chuyên môn bên cạnh
Cho nên, đầu tiên nếu muốn nhập thất tu tập thì bản thân mình phải đủ kiến giải thiền định. Phải biết đủ những khúc quanh ở trong thiền định, còn nếu không thì phải có một người rất giỏi về những chuyện này. Họ đã đủ kinh nghiệm và đã vượt qua những khúc quanh trong thiền định rồi thì họ mới giúp mình được, còn không thì đừng có dụng công. Ai hở hở cũng đòi nhập thất nhưng muốn nhập thất mà không có rành về công phu thì đừng làm! Mình phải biết chắc rằng khi tới đó thì mình sẽ như thế nào nhưng điều này đâu ai biết trước được. Chuyện nghiệp thức ngàn kiếp của mình, mỗi lần mình phá được một nghiệp thức thì nó hiện một cảnh giới. Mỗi lần phá một nghiệp chướng nơi tâm là nó hiện một cảnh giới mới liền.
Và đối với những cảnh giới này, với bất kỳ chuyện gì xảy ra thì luôn luôn có hai mặt, phải và trái, đúng và sai, chính xác và không chính xác. Luôn luôn mọi chuyện “mới” xảy ra thì đều có hai mặt hết. Phải có trí tuệ để xác định được chuyện xảy ra cho tâm thức mình, cái gì là đúng nhất. Nếu mình không có đủ bản lĩnh này thì đòi hỏi phải có Thiện Tri Thức bên cạnh để được chỉnh liền tại chỗ đó.
Chỉ cần một đêm thôi, chỉ cần một đêm thay đổi tâm thức mà không có một vị Thầy chỉnh mình, qua ngày hôm sau khi mặt trời mọc lên mà mình thấy nó là đúng thì là “rồi” rồi đó. Đời này kể như đi trớt quớt luôn. Thành ra chuyện nhập thất mà nói về cái gì chuyên tu thì là một cái gì rất khó! Tập tu thì sao cũng được, có thể trầy trầy, trợ trợt nhưng nói chuyện “chuyên tu” là không có chuyện trầy trợt, mà bước một bước là chắc một bước. Tới lúc đó đang nằm mà ông Thầy bảo đứng là phải đứng, chứ không được ngồi từ từ rồi mới đứng dậy, mà phải bật một cái đứng phắt dậy cho kỳ được. Còn đang đứng mà ông Thầy kêu té là té cái đùng xuống, chứ không phải chỏi tay ngồi từ từ rồi mới nằm xuống. Như vậy thì mới hy vọng là giải quyết được công chuyện của mình. Cho nên chuyên môn là một cái gì hoàn toàn khác, còn lý luận thì kiểu gì cũng được.
Kiến giải trong công phu, thấy đúng và chánh kiến Phật đạo
Tất cả chúng ta nếu có duyên muốn đi sâu vào công phu Phật đạo thì phải đủ kiến giải trong công phu. Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh là các kiến giải trong công phu chứ không phải là các kiến thức bên ngoài, mà muốn có kiến giải trong công phu thì phải gặp người thật sự chuyên môn. Học đạo mà không đi vào con đường chuyên môn thì không biết chúng ta học cái gì, chúng ta tu cái gì và như vậy thì chuyện đi đâu về đâu của mình, nó còn miên man lắm. Nghĩa là như chúng ta đã nói, chúng ta phải định hướng một cách chính xác chứ không lệch lạc được thì rồi mới làm đúng. Và chuyện đơn giản rất dễ hiểu là khi chúng ta thấy đúng rồi thì làm kiểu nào nó cũng sẽ đúng. Thấy đúng rồi thì nằm ngủ cũng là chánh định! Còn nếu “thấy không đúng” thì ngồi tám kiếp cũng chưa phải là chánh định! Đó là điều chúng ta phải biết. Việc này đòi hỏi chánh kiến cho tất cả, dẫu là cho những việc làm nhỏ nhất của mình, những gì tinh tế, sâu sắc nhất ở trong công phu thiền định đều phải đủ chánh kiến Phật đạo, để khi qua tất cả những cảnh giới là chúng ta đều có thể soi tỏ thì mới hy vọng là chúng ta đi tới nơi. Nói như thế, không phải là để hăm dọa nhau nhưng đã nói đến chuyện chuyên tu thì phải 100 phần trăm không bớt giá! Chính xác, chính xác, chính xác, từng bước, từng bước, từng bước, phải thật sự là chính xác! Còn nếu ở ngoài thì không nói, chúng ta không tu thì sao cũng được.
Thành ra đối với những người hạ thủ công phu thì chúng ta nhìn cái thần nhãn của họ thì mình sẽ liền biết ra là người này đang tu hay là không tu. Đừng nói nhập thất lâu mau gì ở đây. Tức là khi mình nhìn thấy trong ánh mắt của họ thì có thể thấy là họ đã gắn được với công phu chưa, hay là họ nhận pháp của ông Thầy mà nắm không được.
Ví dụ như khi chúng tôi dạy một khóa tu, hướng dẫn ngồi thiền, sau khi đã dạy và chỉnh đốn xong rồi thì vị Thầy bắt đầu đi kiểm thiền từ trên xuống dưới và nhìn cặp mắt của từng người trong lúc đang thiền định là thấy hết. Ngay cả nhìn sau lưng cũng thấy chứ không cần nhìn đằng trước. Phải thấy hết thì mới được và thấy được lúc nào cần phải chỉnh, cần phải sửa và sửa cái gì, thì đó là trách nhiệm của ông Thầy. Đương nhiên là cũng phải để cho thiền sinh mò mẫm, vùng vẫy, quơ cào trong bóng tối một đoạn để có thể thấy ra được giá trị thật của cái thấy đúng là như thế nào. Chứ nếu mình không có đau khổ trong chuyện sai trật của mình thì đôi khi mình không thấy giá trị. Nếu mới đói bụng mà ông Thầy đã nhai mớm cho rồi, khỏi cần suy nghĩ nữa thì thua rồi. Có khi mình khổ tới mấy chục năm ông Thầy mới nói một câu, thì khi ấy mới thấy ra giá trị thật của người thấy đúng! Chứ còn bây giờ mình thấy thấy sai, thấy đúng cũng thường lắm. Nhưng đối với việc học đạo thì chúng ta rất, rất cần một bậc Thiện Tri Thức trong giai đoạn mà chúng ta chưa thông được mọi điều.
Kính ghi lại lời thuyết giảng của Tôn Sư TT. THÍCH TUỆ HẢI
Hiển Hiện Như Nhiên Thiền Sư
Chùa Long Hương (2017)
(Đăng bởi Ban Biên Tập)