Lược Giảng VỀ NHÀ

  • Đăng bởi: Ban Biên Tập
  • |
  • 27/05/2023

VỀ NHÀ

 

Nhà xưa nay đã đặt chân

Rỗng rang trống trải chẳng chi trong này

Muốn vào không cửa để vào

Tìm đường thoát khỏi nghìn đời được đâu.

 

Sáng tác năm 1992

 (Tác giả: Vô Trụ Thiền Sư)

 

Đầu năm 1992 tôi và một huynh đệ xin Hòa Thượng xuất chúng. Hòa Thượng hỏi: Đi đâu? Tôi nói: “Con đi hoang”. Hòa Thượng hỏi: Đi hoang là đi làm sao? Tôi nói: “Đi hoang là chỗ nào nghe nói có người tu con tới tìm cầu học hỏi, không có gì khác ngoài dòng pháp Hòa Thượng, nhưng con muốn coi có người nào biết được sự thật này không”. Hòa Thượng hỏi: Đi làm sao? Tôi nói: “Có làm sao đi làm vậy”.

Rời Thường Chiếu đi bộ ra khỏi cổng, rồi đi bộ tiếp cho tới khi nào người ta cho tiền đủ mua một chiếc xe đạp, hai huynh đệ đèo nhau đi dài dài xuống miền Tây. Có nhiều khi 9, 10 giờ tối không có chỗ để ngủ, móc cái võng lên cây ngủ sáng dậy đi tiếp. Ai cho ăn cái gì ăn cái đó. Có nhiều bữa tới 9, 10 giờ tối không có hột cơm nào. Có bữa xin nước thiếu điều người ta không cho uống. Đi khoảng mấy tháng nắng táp mưa sa áo bạc màu, tôi thấy mấy ông lết lết xin ăn mặc áo cũ chưa bằng mình giai đoạn đó.

Có một lần đạp xe từ Bắc Mỹ Thuận đến Vĩnh Long, nghỉ đêm ở Tịnh Xá Ngọc Hòa của Sư Giác Ánh, sáng hôm sau đi Long Xuyên. Chúng tôi đi đường tắt từ sáng tới chiều không gặp chùa nào để ghé xin cơm, không xin nhà dân, không xin chợ. Gần 2 giờ trưa gặp chùa mừng lắm, vừa đói vừa khát. Chùa không phải là chùa giàu. Nơi đây có một kỷ niệm mà cả đời không bao giờ tôi quên. Cửa cổng bằng gỗ, chúng tôi gõ cửa riết thì từ trong có ông thầy đi ra. Tôi chào. Thầy hỏi có gì không. Tôi nói thiệt: “Con đi lỡ đường khát nước đói bụng, Thầy có cơm cho con ăn, có nước cho con uống một miếng”. Thầy nói lỡ giờ không có cơm. Thôi vậy thầy cho con miếng nước uống. Chắc nhìn thấy tướng mình giống ăn trộm, nên Thầy không mở cửa, nói: Đứng đó chờ. Năm phút sau bưng ca nước đút qua cái lỗ đưa tôi uống, không mở cửa mời vô chùa. Uống ly nước lạnh lùng đó rồi thôi ra đi.

Và ngày đó đi cho tới 8 giờ tối mới tới Long Xuyên. Gần bến xe đường vô núi Sập có Tịnh thất của một Thầy ngày xưa thầy ở cùng Thiền Viện. Lần đầu tiên trong cuộc đời ăn rau muống nó ngon không thể diễn tả, và không bao giờ có bữa rau muống nào ngon như vậy, cứ nhìn cọng rau muống là tôi nhớ tới chuyện đó.

Qua Campuchia khoảng 2, 3 giờ chiều, tôi ghé chùa đầu tiên xin cơm. Thời đó Campuchia loạn lắm, họ cũng đãi mình bữa cơm nhưng gắp thức ăn là phải khều cho mấy con ruồi bay ra. Rải tiêu cũng không bằng ruồi đậu. Xin ở lại không cho, ông Thầy nói lúc này tụi Pôn pốt hay bắt người kêu chuộc mà không chuộc là nó cắt đầu.

Đến chùa thứ hai là chùa Quán Âm ở cây số chín. Gốc Thầy từ Cần Thơ qua, ghé Thầy cho ở. Ra ngoài không biết kêu xe đi kiểu gì về chùa vì tiếng Miên không biết. Có bà phật tử người Việt Nam hỏi thầy đi đâu. Nói tôi muốn về chùa Quán Âm cây số chín, bả kêu anh xe ôm chở đi. Ông này chạy hết ga hết số trong vòng nháy mắt.

Khi rời khỏi ranh giới Việt Nam tôi cũng đi xe ôm tới thành phố Nam Vang, anh xe ôm chạy không bao giờ biết xuống ga là gì, lúc nào cũng hết ga hết số. Tôi nhớ có lần tôi văng ra khỏi xe tôi quơ một cái dính ổng đeo lại mà ổng cũng không bớt ga. Họ chạy kiểu gì, nhiều khi chun xuống sàn nhà chứ không chạy ngoài đường.

Được ở đó ăn cơm uống nước mấy ngày. Nước ở đó một ngày chỉ lấy được có mấy thùng. Lúc đó mùa hè đầu tháng tư, chiều đó tôi ra giếng ngồi chơi nghe chóc chóc chủm chủm nhìn xuống thấy một bầy chừng hai trăm con cóc. Giếng đó mình đã uống và tắm giặt mấy ngày. Vừa nhìn thấy bầy đó là tôi ngứa toàn thân liền, nghĩ lại mấy ngày nay uống nhớt cóc chứ không phải uống nước, thế là chiều đó là hết ăn cơm và không tắm.

Chiều cùng ngày đi tiếp. Tới chùa cách thành phố Nam Vang 16 cây số, Hòa Thượng trụ trì người Việt Nam, Thầy vừa mất nên phật tử muốn giữ tôi lại làm trụ trì. Họ nói với tôi và Thầy Bửu Minh (bây giờ là Thầy Thông Châu) ở lại tới lễ Phật Đản. Chiều đó ăn cơm và tối ngủ tới sáng ngon lành. Sáng sớm có một bà cụ vô lắc sâm kêu tôi bàn sâm, tôi đâu biết, bả chửi từ sáng tới 3 giờ chiều, thầy chùa ăn cơm chùa mà không biết làm việc chùa. Bả nói như vậy miết. Bả ngồi cửa chờ, nên hai huynh đệ đóng cửa không ăn cơm luôn. Tới ba giờ chiều bả mới đi. Vừa mò ra ăn cơm thì có hai người phụ nữ tới đòi tụng tắm nước. Thầy Bửu Minh xách hai thùng nước ngắt đầy hoa vạn thọ rồi tụng múc nước xối từ đầu xuống. Rồi thôi bỏ chùa đi.

Từ đó về lại chùa Cóc ngủ qua đêm về Việt Nam. Lên xe phía trước là mấy bà bán cá mình ngồi sau trên quãng đường dài 10 cây số thường thức mùi cá. Tới ngang chùa Quan Âm không biết sao kêu xuống, nếu không thì nó chạy tuốt qua Nam Vang, kêu tốp tốp may quá nó dừng.

Về Việt Nam, lúc đó Hòa Thượng nhập thất mới ra, Hòa Thượng làm bài thơ Về Nhà, nên tôi cũng nổi hứng làm bài Về Nhà.

Căn nhà xưa của mình nay đã đến. Về được nhà rồi nhưng nhà không có gì trong đó. Không có tử, không có sanh, không có Niết Bàn, không có chúng sanh, không có Phật, không có Tổ, không phải, không quấy, không đúng, không sai, không buồn thương giận ghét. Căn nhà rỗng rang mênh mông như vậy, muốn vào thực sự nó không có cửa. Cho nên mình muốn nhập tánh, mình muốn hòa với tánh, mình muốn nhận tánh đều là sự đóng bít cho chính mình.

Tức là còn muốn vào, còn muốn ra, còn muốn tới, còn muốn lui, là bít không có đường để vào. Nhưng tìm đường để thoát ra thì ngàn đời không được. Hay ra là mình đã ở trong đó lâu lắm rồi, như đứa bé đã bị cắt tay cắt chân quăng giữa biển, không cách nào ra khỏi biển.

Bài viết liên quan