TIỂU SỬ TRỤ TRÌ
- Đăng bởi: Ban Biên Tập
- |
- 28/10/2019
SƠ LƯỢC TIỂU SỬ TỲ KHEO THÍCH TUỆ HẢI
Thầy Thích Tuệ Hải, thế danh: Đinh Kim Nga, sinh năm 1968 tại xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Thầy được sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em, và Thầy là con út. Gia đình vốn là một điền chủ. Một điều rất lạ là mảnh đất nơi Thầy sinh ra là một nơi linh địa; trong thời chiến tranh những lúc bom đạn xảy ra nếu mọi người ở khu vực gần đó chạy đến mảnh đất của nhà Thầy ẩn náu thì đều được an toàn, bom đạn không dội tới.
Có một biến cố xảy ra, người cha buông xuôi sự nghiệp nên gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Hai người anh của Thầy thấu hiểu được thời thế vô thường nên phát tâm xuất gia; sau đó chị gái của Thầy cũng xuất gia.
Từ thuở ấu thơ Thầy vốn là một người con rất hiếu thảo với cha mẹ. Từ khi sáu tuổi Thầy đã biết nấu cơm, theo mẹ buôn bán… để phụ giúp gia đình. Tối về tận tụy thương yêu hầu hạ cha già, một lòng phụng sự theo ý muốn của cha mình, chưa từng có nửa ý niệm chống trái. Thầy nói: “Thầy đã được dày công dạy dỗ từ thuở bé nên mới có ý chí kiên cường vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc sống cho đến ngày hôm nay”.
Mẹ Thầy là một phụ nữ siêu tuyệt, nhân hoà và từ ái. Thầy cũng từng nói: “Khắp thế gian này khó có người phụ nữ nào đức hạnh tuyệt vời như Mẹ của Thầy.” Một đời tận tụy hy sinh cho gia đình và đến năm 1993 mẹ của Thầy đã xuất gia tu học tại Thiền viện Tuệ Thông.
Vốn là một người có thiện căn lớn với Phật Pháp, năm lên bảy tuổi lần đầu tiên được nhìn thấy hình tượng của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Thầy đã bị chấn động và đứng chết lặng trong trạng thái thiền định trước tượng Phật gần tám tiếng đồng hồ. Lúc đó Thầy thấy rõ tất cả mọi thứ diễn ra chung quanh mình, mọi người thấy vậy không ai dám làm động cho đến khi Thầy tự rời định.
Năm 1985 Thầy bị bệnh nặng nên đã nghiên cứu về phương pháp dưỡng sinh của Tiên Sinh G. Ohsawa. Thầy chỉ ăn dưỡng sinh trong vòng 21 ngày là đạt tới cảnh giới số 7, cảnh giới quân bình âm dương như Tiên Sinh đã nói, khi đó tất cả tật bệnh đều biến mất. Thầy ở trong trạng thái thân tâm rỗng lặng phúc lạc vô biên suốt bảy ngày bảy đêm.
Cũng vào năm đó, lúc còn là học sinh khi nghe thầy giáo giảng đề tài “Vạn vật chuyển vận trong không gian” Thầy đã ngộ lý vô thường và nung nấu chí nguyện xuất gia. Mãi đến đầu năm 1986 Thầy đã từ giã cuộc sống đời thường đến Thiền viện Thường Chiếu xin làm công quả xuất gia tu học.
Đến ngày mùng 8 tháng 12 năm 1986, ngày lễ Đức Phật thành đạo thì Thầy được chính thức xuất gia tại Thiền viện Thường Chiếu. Hòa Thượng Bổn Sư là thượng Thanh hạ Từ cho pháp danh là Thích Tuệ Hải.
Sống trong Tăng đoàn được phân công tác trồng rau cuốc đất, nhưng ý chí xuất trần mãnh liệt, quyết tâm phá vỡ sanh tử thể nhập chân lý. Trải qua nhiều ngày nhiều tháng, thao thức ngày càng mãnh liệt, cho đến ngày 7 tháng 7 năm 1987, khi nghe Hoà Thượng Ân Sư giảng Trung Quán Luận đến câu: “Không thọ là Niết Bàn” ngay khi ấy Thầy liền dứt bặt tất cả những hiểu biết xưa nay, thân tâm rỗng suốt, thông thấu tất cả những duyên trần không phải là thân căn trước đây. Kể từ đó, Thầy thấu hiểu được chân lý không còn nghi ngờ lời Phật Tổ nữa, từ cái thấy biết vượt thoát mọi khuôn sáo, đời sống Thầy trở nên ung dung nhẹ nhàng. Ngay khi đó Thầy cảm tác bài kệ nói về sức sống hiện tại của mình:
Từ nay vui sống ung dung
Rõ ràng mỗi mỗi nơi duyên chẳng lầm
Chẳng lầm chẳng lộn chẳng sai
Rỡ ràng chỉ vậy chẳng sao nói lường.
Ngày 12 tháng 7 năm 1994 được sự chỉ dạy của Ân Sư là Hòa Thượng thượng Thanh hạ Từ cử Thầy về Trụ trì chùa Long Hương, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cho đến ngày nay.
Ngoài việc hoằng dương Chánh Pháp lợi lạc quần sanh, Thầy còn là một vị lương y cứu giúp cho nhiều người bệnh hiểm nghèo, hướng dẫn cho mọi người có đời sống cân bằng thân tâm để khai mở trí huệ, thấu hiểu trật tự thể vũ trụ, đạt được tự do vô biên, công bằng tuyệt đối và phúc lạc cùng tận.
Thầy đã thuyết giảng những bộ kinh: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Kim Cang, Bát Nhã v.v… và các kinh về Thiền tông, Tịnh độ cũng như các kinh điển của Phật giáo Nguyên Thủy. Tất cả đều thể hiện tính chung nhất của đạo Phật. Tâm nguyện lớn nhất của Thầy là muốn cho tất cả các tông phái của đạo Phật có cái nhìn nhất quán đúng với tinh thần giác ngộ giải thoát như lời Đức Phật dạy: “Trăm sông đều chảy về biển cả, biển chỉ có một vị mặn, giáo pháp của Ta chỉ có một vị duy nhất là giải thoát mà thôi”.
Hình ảnh Tăng Ni Chùa Long Hương:
Nội dung: SC Tâm Chiếu, SC Huệ Tịnh
Hình ảnh: Ban Biên Tập
Post: Thái Bảo