Lược giảng HUYỂN NHƯ NHƯ

  • Đăng bởi: Ban Biên Tập
  • |
  • 01/06/2023

HUYỄN NHƯ NHƯ

 

Nổi trôi lên xuống khắp tam thiên

Phù sinh bao kiếp thăng trầm mãi

Chợt thấu mênh mông đạo diệu mầu

Vô minh thực chất minh tuệ giác

Có không không có hư bày biện

Phải trái thị phi bóng mây bay

Tam thiên chỉ thoáng như bụi nhỏ

Thế giới ba ngàn giấc phù âu

Ảo hóa hư không thoảng hương qua

Như Như Nhất Nhất Nhất Như Như

Nhất Nhất Như Như Như Nhất Nhất

Như Như Nhất Nhất Ta bà ha.

                                                                                                                                                

                                   Cuối hạ 2014 Giáp Ngọ

                    (Tác giả: Vô Trụ Thiền Sư)

 

“Nổi trôi lên xuống khắp tam thiên”. Trong lục đạo luân hồi mình luôn luôn chìm nổi lên xuống khắp các cõi. Thực sự không phải đời này mình là người rồi, đời sau mình là người nữa, mà có khi đời sau mình tuột xuống tuốt địa ngục ở. Không hẳn mình lên thì lên hoài, hoặc xuống thì xuống hoài. Có khi đang ở địa ngục hết nghiệp vọt một cái tới cõi Trời ở để hưởng phước. Đó là chuyện mà người chưa giác ngộ phải ý thức, nó phải xảy ra. Chúng ta không bao giờ trốn thoát được.

Dù mình có giỏi giang gì lắm mà mình không ý thức sâu sắc việc này, thì sanh tử cứ mù mịt ngàn kiếp không có lối thoát và mình khó tu lắm. Chúng ta biết chắc rằng không có cách gì khác hơn ngoài việc mình tu tập giải thoát. Không tu thì không có cách nào thoát ra được. Dù có lên làm vua Trời đi nữa thì cũng không chắc được bao lâu. Dù làm vua thế gian thì cũng tiếp tục bị sanh tử. Dù ở cõi nào chúng ta có hưởng phúc đi nữa thì cũng tiếp nối sanh tử, mà chúng ta có trả nhân quả xấu đi nữa thì chúng ta cũng tiếp tục sanh tử. Chỉ trừ người giác ngộ mới thoát ra được thôi.

Tâm mình vẫn còn trôi nổi, nay thương một chút, mai ghét một chút thì sanh tử cũng theo đó trôi nổi không có ngày dừng lại.

“Phù sinh bao kiếp thăng trầm mãi”. Hàng tỷ kiếp rồi trong Tam giới này chúng ta luôn luôn thăng trầm. Có những cái như trong đời này mình nghèo quá mình muốn có cái nhà đẹp, muốn có cái xe đẹp, muốn ăn ngon mặc đẹp thì đó là phước của mình. Nhưng nếu không đủ thì mong muốn đó là cái gì rất lớn với chính mình.

Chúng ta đã từng là vua chúa, có kẻ hầu người hạ, có cơm ăn áo mặc, có danh lợi trần gian, tất cả chúng ta đều nếm trải không sót miếng nào. Thăng thì mình cũng thăng tới tận mây xanh rồi, trầm thì mình cũng đã từng xuống tới địa ngục A Tỳ. Bây giờ ngoi ngoi lên làm người thì chúng ta phải thấy rõ, tất cả những cái có trong cuộc thăng trầm sanh tử này rất phù du, nó mong manh, phù ảo, không có thực. Thế mà mình cũng còn ở đây chưa ra được, mình chưa có dừng được, chưa có dứt được.

“Chợt thấu mênh mông đạo diệu mầu”. Khi chúng ta ý thức được sự thăng trầm của tất cả chúng sanh muôn loài là chuyện phù du, thì chúng ta thấu được mênh mông đạo diệu mầu. Ngược lại, người thấu được mênh mông đạo diệu mầu nó mới là thật thì chuyện sanh tử với họ là phù du huyễn ảo.

 “Vô minh thực chất minh tuệ giác”. Từ xưa tới giờ, những cái mình cho nó là vô minh, những cái mình cho nó là mê muội, nhưng thực ra cái vô minh đó là tuệ giác của mình. Mình thấy mình tham, mình sân, đứng góc độ nào đó mình cho nó là xấu, nhưng khi chúng ta nhận tột đạo lý thì tất cả các Pháp đều là Phật pháp, nên vô minh thực chất nó cũng là tuệ giác.

Vô minh nó biến hóa trong vòng mê muội của người chưa giác ngộ. Nhìn góc nào đó những điều mà mình sai trái trong cuộc đời nó là những kinh nghiệm sống xương máu. Tại vì mình phải trả giá cho những sai lầm đó rất lớn có khi mất cả danh dự, mất cả tiền của và mất cả cái mạng mình. Nhưng khi mình giác ngộ thì những sai lầm đó là trí tuệ Phật đạo, đều là dụng của Tự Tánh.

Cho nên, người từng chinh chạm với cuộc đời nhiều, mà người đó giác ngộ thì họ nhiều phương tiện lắm để giúp ích người khác. Người nào sống theo kiểu gia đình gia giáo, cha mẹ nuôi kỹ, lớn lên đi tu ở trong chùa được thầy nuôi dạy kỹ thành Hòa Thượng, Thượng Tọa thuyết pháp thì toàn nói theo Kinh chứ không có phương tiện nhiều.

Tất cả những thuận nghịch của cuộc đời họ nếm trải hết rồi. Lúc chưa giác ngộ thì nó là vô minh nhưng khi chúng ta thể nhận đạo mầu thì nó là tuệ giác của mình.

“Có không không có hư bày biện”. Cái Có, cái Không nó hiện bày trong cái huyễn ảo hư dối chứ không có gì thật. Lúc nào chúng ta thấy Có thực, thấy Không thực, thấy phải thực, thấy trái thực là chúng ta thấy lầm. Khi chúng ta đứng ở chân trời giác ngộ thì Có và Không là hư ảo hiển bày.

“Phải trái thị phi bóng mây bay”. Phải, trái, đúng, sai, hay, dở như bóng mây. Nếu chúng ta để lòng là chúng ta thấy lầm. Không có gì đúng, không có gì sai, không có gì phải, không có gì trái, không có gì để mình phải thương, phải ghét. Mình ôm, mình chấp giữ nó như ôm bóng mây bay chứ không phải thấy được cụm mây.

Bóng mây nó chỉ thoảng qua trong cuộc đời của mình. Trong bầu trời tâm thức của chúng ta như mây bay qua để lại bóng mờ, nếu mình nhận ra thì mình là người tỉnh táo. Nhưng có khi mình thấy cụm mây là núi để nó trở thành cái gì rất thực trong cuộc đời của mình, để mình phải khổ, phải thương, phải ghét trong đó. Mình phải ôm ấp ngày này cho tới tháng kia, mình muốn buông mà không được thề sống để bụng chết đem theo là nó thành thiệt rồi.

Ai ý thức được cái Có, cái Không nó là cái hư bày hiện. Cái phải, cái trái, thị phi là bóng mây bay thì cuộc đời chúng ta rất nhẹ.

“Tam thiên chỉ thoáng như bụi nhỏ”. Khi thể nhận được đạo mầu rồi thì chúng ta sẽ thấy chuyện lớn hơn, chứ không phải thấy bình thường trong chuyện phải, trái, thị phi nữa. Thế giới này nó chỉ thoáng như bụi nhỏ. Mình thấy nhà này lớn, thấy quả đất này là lớn, thấy núi non cây rừng là lớn, nhưng thực sự cả thế giới này, cả Tam thiên đại thiên này như hạt bụi nhỏ trong thoáng chốc nào đó.

“Thế giới ba ngàn giấc phù âu”. Tam thiên đại thiên này giống như giấc mộng, nó phù âu, huyễn giả. Nó còn mộng hơn cái mộng nữa. Thành ra mình thấy có nhà cửa thật, xe cộ thật, con người thật, buồn thương giận ghét thật là nó còn nhỏ lắm. Mộng đã là phù du rồi mà mộng chồng thêm mộng là cái gì hết sức mộng, mà mình ở đây vẫn thấy thật.

“Ảo hóa hư không thoảng hương qua”. Người thấu được mênh mông đạo diệu mầu sẽ thấy hư không rất ảo, thoảng như mùi hương qua rất nhanh với vận tốc rất lớn, mình không kịp hít để giữ lại mùi hương đó. Người đó thấy rõ ràng từ hư không, cho tới pháp giới chúng sanh và Tam thiên đại thiên thế giới như bụi nhỏ, như thoảng hương qua, nó không còn tù đọng lại được trong tâm thức người đó. Nó là phù du, mộng mị, giả dối, mong manh, không có gì chắc thật để chúng ta có thể chấp giữ trong cuộc đời.

“Như như nhất nhất nhất như như”. Khi người đó thấy tận cùng Tam thiên đại thiên thế giới thì người đó thấy mỗi mỗi nó đều là “như như”. Cái “như như” đó giống như là một, mà nó không phải một, nó là như như cho nên cứ nghĩ nó là một.

Do nó như như, nó không phải là một mà nó cũng không phải là hai cho nên mình mới nói “Như như nhất nhất, nhất như như”. Cái nhất nó là như như. Cái như như nó giống cái nhất nhưng mà nó không phải là cái nhất. Nó không phải cái hai nhưng nó cũng không phải là một.

“Nhất nhất như như như nhất nhất”. Cái “nhất nhất” đó thực sự là “như như”. Và cái “như như” như cái “nhất nhất”. Tất cả các pháp nó vốn dĩ là như vậy, không làm sao khác hơn được. Nó giống như nhất, nó giống như như, nó giống như có, nó giống như không, nó giống như phải, nó giống như trái, muốn cái gì nó sẽ thành cái đó. Mỗi mỗi đều hiện hữu cái “như như nhất nhất” trong đi đứng nắm ngồi. Khi chúng ta thể nhận mênh mông đạo diệu mầu là chúng ta luôn hòa nhập trong cái “như như nhất nhất” đó.

“Như như nhất nhất Ta bà ha”. Khi mình thấy được cái “như như nhất nhất” đó rồi thì không còn cái gì có thể bàn luận nữa. Chuyện của thế giới Ta Bà này nó giống như câu cuối của bài Kinh Bát Nhã “yết đế yết đế ba la yết đế ba la tăng yết đế bồ đề tát bà ha”. Khi chúng ta thấy được như vậy là cái thấy của mình nó viên mãn tròn đầy không gì có thể bàn luận được.

Bài viết liên quan