Lược Giảng DẠO BIỂN
- Đăng bởi: Ban Biên Tập
- |
- 30/04/2023
DẠO BIỂN
Lang thang chiếc bóng bên bờ biển
Chợt thấy nơi lòng tựa có không
Trong không lại có muôn ngàn thứ
Trong có lại là cái rỗng không
Có không không có xưa nay vậy
Chợt hỏi ai rằng có hay không?
Có không cũng chỉ tâm bày biện
Thực thể chỉ là Như thế thôi.
Sáng tác năm 2012 Nhâm Thìn
(Tác giả: Vô Trụ Thiền Sư )
Trong Chứng Đạo Ca có câu:“Thường độc hành thường độc bộ. Đạt giả đồng du Niết Bàn lộ”. Ngài Bàng Long Uẩn đi hỏi đạo bằng câu: “Thế nào là người chẳng cùng vạn pháp làm bạn lữ”. Và Ngài cũng ngộ đạo từ câu này.
“Lang thang chiếc bóng bên bờ biển”. Chỉ có mình mình, là riêng lẻ, là không có liên hệ, không có liên quan, không có dính bên đây, không có dính bên kia, không có hai ở nơi đây. Như vậy là độc hành độc bộ bên bờ biển chứ không phải xuống biển tắm. Bên bờ biển sinh tử này, mình đến đây độc hành độc bộ và toàn pháp giới này chỉ có một mình mình riêng rẽ. Tức là không vướng, không chấp, không cùng vạn pháp làm bạn lữ. Đến bến bờ sanh tử này chỉ một mình mình.
“Chợt thấy nơi lòng tựa có không”. Tựa hồ như Có, như Không. Có không phải là Có, Không không phải là Không. Trong lòng không bao giờ thấy Có và thấy Không. Thấy Có cũng không được, thấy Không cũng không được. Cuộc thế này nó đã là Có, là Không rồi cho nên mình cũng tựa hồ Có, Không ở nơi mình. Tức là cũng thấy Có nhưng thực sự không phải là Có, thấy Không nhưng thực sự không phải là Không.
“Trong không lại có muôn vàn thứ”. Tức là trong chân không diệu hữu đó không phải cái Không là cái không rỗng, chết lặng, không có cái gì. Chân không này thực sự là diệu hữu, trong đó có muôn vàn thứ mà mình có. Tất cả những cái mà mình thấy, nghe, hay, biết bây giờ là nó xuất phát từ chân không đó, nhưng nó cũng là cái rất mơ hồ tựa Có, Không.
“Trong có lại là cái rỗng không”. Chân không hiện tất cả mọi cái. Tất cả mọi cái cũng là Chân không. Nó hiện tướng của Chân không. Cho nên trong Có lại là cái rỗng không. Tức là cái thấy, cái nghe, cái hay, cái biết, mọi cái mình tiếp xúc trong trần gian này thể hiện cái Chân không đó. Cho nên không có cái gì không phải là Chân cả. Tất cả mọi cái đều là Chân. Chân không diệu hữu và trong cái diệu hữu đó chính là Chân không.
“Có không không có xưa nay vậy”. Có không, không có xưa nay nó vốn là như vậy. Nhưng nếu ai thấy khác là thành Có hoặc thành Không là sẽ bị trầm luân sanh tử.
“Chợt hỏi ai rằng có hay không?” Thế gian này thấy Có hay là thấy Không? Nếu ai thấy Có thì bị Có trói cột, nếu ai thấy Không thì bị Không trói cột. Nếu ai thấy cái có huyễn thì bị huyễn trói cột, nếu ai thấy không là giả thì bị giả trói cột. Tức là nơi lòng vừa có khái niệm Có, Không thì chúng ta bị lún sâu trong sanh tử rồi. Vậy thì Có hay Không? Có cũng không được mà Không cũng không được.
“Có không cũng chỉ tâm bày biện”. Thực sự cái Có và cái Không chỉ là sự bày biện của tâm thức. Tâm thức chúng ta bắt đầu hoạt dụng thì chúng ta liền thấy Có và liền thấy Không. Lúc nào nơi chúng ta thấy Có và thấy Không là lúc đó tâm thức chúng ta đang bày biện. Chưa bao giờ có cái gì là Có, cũng không bao giờ có cái gì là Không cả. Lúc nào chúng ta thấy có buồn, có thương, có ghét, có giận, có đúng, có sai, có hay, có dở, là tâm thức chúng ta bày biện.
“Thực thể chỉ là Như, thế thôi.” Xưa giờ nó vốn là Như, nó không là gì khác, Có là “như có”, Không là “như không”. Nếu như ai thực sự một lần trong đời của mình chợt nhận ra cái “như như hiện hữu” này trong tất cả thấy, nghe, hay, biết thì chúng ta nhận ra được lý thực của vạn pháp.