Lược Giảng CỘI TÙNG
- Đăng bởi: Ban Biên Tập
- |
- 28/05/2023
CỘI TÙNG
Nghiêng nghiêng bóng cả ngã về Tây
Nghênh đón tri âm thể đạo mầu
Trở lại bến xưa ngồi tòa giác
Khởi đại bi tâm cứu muôn loài.
(Ngày 20/07/2014 Cuối hạ năm Giáp Ngọ)
(Tác giả: Vô Trụ Thiền Sư)
“Nghiêng nghiêng bóng cả ngã về Tây”. Trên đồi, trước thất Thầy Tuệ Hải có cây tùng cổ thụ được trồng nghiêng nghiêng theo thế ngã về Tây, ngay cửa ngõ ra vào đón khách tri âm.
“Bóng cả ngã về Tây” còn một ý khác. Nghĩa là cái bản ngã cố cựu từ xưa tới giờ của mình nó lớn lắm, nó được mình nuôi trồng từ tỷ tỷ kiếp rồi. Nó thực sự lớn bằng núi Tu Di, nó muốn che chắn, muốn phủ hết, nhưng nó đã nghiêng về Tây.
Hướng Tây là hướng mặt trời lặn, hướng kết thúc một ngày sinh hoạt, hướng nghỉ ngơi, dừng dứt sự động hóa. Cội gốc của bản ngã nghiêng về Tây là nó sắp sửa dừng dứt sự hoạt động của bản ngã, ngừng sự động hóa của tâm thức, dừng dứt tất cả những hoạt động của tự tâm, của vọng tưởng vọng tình. Còn hướng Đông là hướng mặt trời mọc, là khởi đầu cho một ngày mới, khởi đầu của sự động hóa, khởi đầu của mọi thứ mọi điều.
“Nghênh đóntri âm thể đạo mầu”. Khi tất cả những tâm thức sắp sửa dừng dứt, những ngã chấp sắp sửa tan biến, những vọng chấp, những vọng tình, những buồn thương giận ghét dừng dứt thì mình nghênh tiếp được tri âm của mình.
Một người bạn, một người thân, một người tình, một người tri kỷ, tri âm hằng hà sa số kiếp luôn sống với mình nhưng mình không đón nhận, mình lo nhận thương, lo nhận ghét, lo nhận buồn, lo nhận tham, lo đủ thứ nhưng tri âm mình chưa bao giờ tiếp nhận.
Sự thật đó luôn ở bên mình hằng hà sa số kiếp, luân hồi trong các nẻo. Xuống địa ngục nó cũng chơi với mình, lên thiên đàng nó cũng ở chung với mình, lúc làm người nó cũng có, lúc mình vui nó cũng có, gần như mỗi mỗi nó hết sức tương thông với chính mình một cách tuyệt đối. Không có ai trên cuộc đời này có thể hiểu mình bằng nó mà mình không bao giờ để ý.
Một người tri âm tri kỷ hàng vạn kiếp đã từng thông cảm mình, tới giờ này mình quay lại tri âm nó là quá muộn màng, nhưng biết vẫn hơn. Mình nghênh tiếp, đón chào, đón nhận để hòa hợp được với tri âm của chính mình. Trong Tam giới không bao giờ có người thứ hai nào được như vậy.
Tri âm đó chính là “thể của đạo mầu” từ nghìn xưa mà tất cả chúng sanh muôn loài đang tìm kiếm. Tất cả chư Phật và chư Đại Bồ Tát đã hòa nhập trong “thể đạo” này.
“Trở lại bến xưa ngồi tòa giác”. Khi thể nhận “đạo mầu” là mình trở lại bến xưa của mình. Quê xưa chốn cũ của mình chính là đây, là “đạo mầu” này, là “tri âm”, là “tri kỷ”. Không phải là cái nhà nào, không phải là cái chùa nào, không phải là cõi giới nào. Nó chính là “bến xưa” mà mình phải đỗ, “căn nhà cũ” mình phải về, “nơi chốn yên bình” tất cả chúng sanh cần phải “lưu trú”.
Thực sự mình đã lưu trú rồi nhưng do mình quên thôi. Bây giờ nói “nghênh tiếp” nhưng thực sự cũng không phải là nghênh tiếp. Khi mình dừng dứt những cái riêng tư của mình thì mình nhận rõ mình sống được, mình ở trong cái tri âm tri kỷ, ở trong cái đạo mầu, cũng như ở bến xưa bến cũ của chính mình, ở trong ngôi nhà yên ổn nhứt của mình. Và đó chính là tòa giác. Nhà xưa mình chính là tòa giác.
Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, vị Pháp Sư đúng nghĩa của Đức Phật là: “Ngồi tòa Như Lai, mặc áo Như Lai”, thì “bến xưa” là “tòa Như Lai”, là “tòa giác ngộ”. Mình ở trong ngôi nhà giác ngộ một cách hoàn toàn. Ngồi trong tòa Như Lai là không còn bất kỳ thứ gì có thể lung lạc mình được nữa. Đó là nơi chốn mà mình đã tìm cầu lâu nay rồi.
“Khởi đại bi tâm cứu muôn loài”. Từ khi ngồi tòa giác đó mới khởi Đại Bi Tâm cứu muôn loài. Đây là cái thật đích thực của đạo Phật. Khi Đức Phật giác ngộ mới có Đại Bi Tâm. Trước phút đó nó chỉ là ái kiến từ bi, là thứ tình nào đó, không thể gọi là từ bi của đạo Phật, nếu chưa có lần giác ngộ. Ngược lại, người nào giác ngộ mà không khởi đại bi cứu muôn loài thì người đó cũng không phải là người giác ngộ. Chứng quả rồi lo kiếm đường nhập Niết Bàn liền là người đó chưa hoàn toàn giác ngộ.
Đó là điều kỳ diệu của đạo Phật. Phút chốc giác ngộ họ tương thông, tương đồng, thông cảm một cách tuyệt đối với khổ vui của tất cả chúng sanh muôn loài khắp mười phương pháp giới này. Cho nên liền khi đó khởi đại bi cứu tất cả chúng sanh muôn loài. Đó là tư cách của người giác ngộ.