VÔ DƯ Y GIẢI THOÁT LÀ NGAY HIỆN TIỀN

  • Đăng bởi:
  • |
  • 09/12/2024

VÔ DƯ Y GIẢI THOÁT LÀ NGAY HIỆN TIỀN. 

        Giải thoát thì không có trước có sau, không có thừa! Và không có để lại bất kỳ cái gì. Cho nên ngay nơi hiện niệm, ngay nơi Hiện Tiền đó là một sự tự tại, vượt ngoài, muốn nắm bắt lại, muốn nắm giữ cũng không được, muốn trụ, muốn bám, muốn chấp, muốn gì cũng không được. Có nghĩa là ngay nơi hiện niệm, không có cái gì có thể nắm đứng và không có cái gì có thể làm ô nhiễm được, thì đó là cảnh giới của vô dư y, chứ không phải là nhập bỏ cái thân mạng này mới được gọi là vô dư y Niết Bàn.

         Thành ra từ xưa tới giờ mình học, có cái gọi là hữu dư y và vô dư y và mình cho rằng hữu dư y nghĩa là người đó giải thoát rồi nhưng vẫn còn cái thân đi trong sinh hoạt đời sống này, cho đến khi bỏ thân mạng rồi thì mới nhập vào cảnh vô dư y. 

         Nếu nói như vậy thì Niết Bàn đó cần phải xét lại!

         Đã nói tới cảnh giới giải thoát toàn triệt rồi thì cái nào cũng vô dư y! Có nghĩa là đi đứng nằm ngồi đều là vô dư y Niết Bàn! Đối với vị này, cho và dù nói là vẫn còn thấy, nghe, tức là mắt còn thấy, tai còn nghe giống như mình, nhưng mà thực sự vị ấy không còn xài cái thân này. Sau khi đã giải thoát rồi thì họ không xài lục căn. Còn bị kẹt lục căn tức là còn bị vướng mắc.

         Như vậy có nghĩa là trong cái hay biết, cái nhận biết hình sắc và nhận biết âm thanh, không có chỗ để đọng lại, không một mảy trần nào có thể đọng lại được. Và chính cái không có đọng lại đó thì được gọi là vô dư y. Còn bây giờ mình làm đủ thứ, mình xả ly, mình xả luôn cái xả, rồi mình thoát luôn cái thoát, v.v. … Như vậy là còn dư dữ lắm!!!

         Ngay nơi hiện niệm, ngay nơi Hiện Tiền của một niệm , chúng ta nói trở lại một niệm , ngay nơi hiện niệm này chứ không nói hiện hữu nữa, không có hữu nữa, mà ngay nơi hiện niệm đó, nó không có thừa, không có thiếu, không có trước, không có sau, không có trong, không có ngoài, không có danh tự, nó vượt thoát cả thời gian lẫn không gian , ngay nơi cái hiện đó , ngay nơi cái hiển hiện đó . Cái hiển hiện như thế được xem là vô dư y giải thoát!

         Tại vì một sát na kế tiếp là không còn một bóng dáng nào của cái hiện niệm trước, và bây giờ là hiện cái không niệm, ví dụ là như vậy. Có cái sát na hiện cái không niệm, rồi tới cái sát na  hiện cái niệm, thì cái không niệm đó, nó cũng tự biến mất! Có nghĩa là mỗi mỗi cái “khắc hiện” đó , dù cái hiện đó là hiện có hoặc là hiện không, thì ngay nơi hiện có là hiện cái đó thôi, nó không có ô nhiễm, nó không tăng trưởng, nó không bị dính mắc. Không có bất kỳ cái gì, không đặt danh tự cho nó được, không nói có, nói không với nó được và cũng không thể dính mắc với nó được! Mỗi mỗi hiện hữu đều là như thế! Và nếu mỗi hiện hữu đều là như thế thì được gọi là vô dư y giải thoát! Chứ không có đợi một chút nữa, không có đợi phải làm cái gì! Không có chuyện phiền não ‗tức là‘ Bồ Đề! Phiền não là phiền não, nhưng phiền não không phải là phiền não, chứ không có chuyện phiền não là Bồ Đề! 

         Nếu mình thấy có phiền não thiệt thì mãi mãi mình là người bị phiền não! Nhưng thật sự trong cái nhìn của một vị Bồ Tát thì không có phiền não, cũng không có Bồ Đề, mà nó là nó! Ngay cái hiện đó là giác chứ không có cái khác được! Và mỗi mỗi cái hiện đều là giác! Hiện có cũng là giác, hiện không cũng là giác, hiện động cũng là giác, hiện tịnh cũng là giác. Mỗi mỗi cái hiện hữu đều là hiện nguyên giác đó! Nó vậy thôi! Nói hữu, nó cũng giác ở hữu! Nói vô, nó cũng giác ở vô! Thì đó được gọi là vô dư y giải thoát!

         Sự thật là không có chỗ nào không phải là vô dư y giải thoát! Nói như thế này thì mình khó tin, đúng không? Mà tin là chắc chắn không giải thoát rồi! Cái cảnh giới này đòi hỏi chúng ta phải có một cái tuệ, cái Tuệ Hiện Tiền. Đặc biệt Tuệ Hiện Tiền thì lúc nào chúng ta cũng có, không phải là đợi mình tỉnh mình mới có mà mình mê mình không có. Tuệ Hiện Tiền đó luôn Hiện Tiền, nó luôn hiện đó, nó luôn hiển hiện. Cái tuệ này luôn hiển hiện cho nên cái gì mà “hiện” ra ở ngay nơi cái Hiện Tiền đó thì “cái hiện” đó nó liền thoát! Cái “hiện” đó nó liền “thoát” chứ không phải là cái tuệ của mình, không phải là “mình thoát cái đó”! Không phải mình thoát cái này, mình thoát cái kia mới được gọi là giải thoát.

         Cái từ “giải thoát” ở đây không có nghĩa là có “ai đó” để thoát, mà sự thật là không có ai để dính! Sự thật là không có người để dính và không có pháp để dính, chứ không phải là có người giải thoát, mà là không có người để dính! Không có năng, không có sở, không có cái có, không có cái không! Nó là “như vậy” và cái “như vậy” đó nó hoàn toàn không có chỗ để dính lại với bất kỳ cái gì! Không có cái gì dính được với bất kỳ cái gì! Nó hoàn toàn không có chỗ để ứ đọng được trong bất kỳ chuyện nhỏ nhiệm nào! Thì cảnh giới đó được gọi là vô dư y giải thoát, và chỗ đó cũng được gọi là vô dư y Niết Bàn!

         Như vậy nghĩa là Niết Bàn vô dư y lúc nào nó cũng hiển hiện khắp không gian vũ trụ này, khắp tất cả mọi cảnh duyên, cảnh vật này, khắp tất cả chúng sanh muôn loài! Nói tới đây thì chúng ta nghe có cái gì hơi bị sốc sốc, nhưng nếu mình tiếp tục ở cái góc của phàm phu thì không biết chừng nào mới thoát được! Nếu mình nhìn ở cái góc dính mắc của mình như bây giờ, mình hiểu với cái hiểu bây giờ của mình là có sanh tử, có sanh diệt, mình kiến thức, kiến giải và dựa vào kinh nghiệm của mình trong cái tưởng tượng như bây giờ… thì nói chuyện này mình nghe không nổi!

         Trừ khi, trừ khi mình không còn mấy cái cũ lâu nay nữa! Mất hết rồi! Bây giờ đang hiện diện ở cái cõi giới mới tuyệt đối không một chút bóng dáng gì của xưa cũ nữa,  và mình nghe tất cả đều là cảnh giới vô dư y Niết Bàn là mình… tự động thành cái cảnh đó! Mỗi mỗi cái hiện hữu đều là cảnh giới vô dư y Niết Bàn. Vậy bây giờ tất cả mọi người đang hiện hữu ở đây, đang hiện diện ở đây là đang hiện hữu trong cõi giới vô dư y Niết Bàn, là cõi giới thanh tịnh vượt thoát không thể dính được cái gì, không có cái gì dính được cái gì, không có người nào dính được việc gì, và không có người để dính!

         Ảo ngã và muốn duy trì bản ngã . Nhưng do mình lại thấy có mình ở đây, cho nên mình bị dính với cái mà mình đặt định. Chứ sự thật là mình không có mặt ở đây! Mình ảo tưởng là có mình ở đây,

mình ảo giác là có mình, và chính cái ảo giác này là cái ràng buộc! Tự mình ràng buộc với cái ảo giác của mình, chứ sự thật thì không có cả “cái ảo” này luôn nữa!

         Sự thật kiếm “ngã” không có! Không có “ảo ngã” luôn chứ đừng nói là có “ngã”! Cho nên bài Kinh căn bản mà chúng ta lặp đi lặp lại hoài là thân này không phải là ta, không phải là của ta, không phải là tự ngã của ta. Đó là những bài học quá sơ đẳng mà Đức Phật đã dạy. Nếu mà nói sâu hơn nữa thì Đức Phật sẽ nói  “không có cái ảo ta, huống gì có cái ta!” Vậy mà bây giờ mình lại thấy rằng “có ta”! Cho nên mình thấy là có mình tức là mình cũng đang ảo, để cho cái  ảo tưởng sinh ra.

         Chính có cái “ảo tưởng” sinh ra nên có cái “ảo ngã” này, nên thấy “có mình” ở đây,  thấy “mình” là ảo. khi nào mình đang ngồi ở nơi nào đó một mình, hoặc là chúng ta đang ngồi đây đi, mà tự dưng mình không chấp nhận cái “ảo mình” nữa, dùng cái từ không chấp nhận có nghĩa là hiện mình lên là mình không chấp nhận, ngay đây mình không thấy có mình. Và vừa có một cái gợn lăn tăn mình là cái gì, mình là ai, mình ra làm sao, mình như thế nào, là mình không tiếp tục nữa, không tiếp tục để nhận mình ở đây nữa!

         Chỉ làm như vậy một lần, hai lần thì mình làm không được đâu. Nhưng nếu ngay khoảnh khắc này, mình thấy không “có mình,mình thấy không có gì là mình, không có gì là  của mình nữa… thì ngay khoảnh khắc này, chúng ta sẽ tự động automatic không tìm thấy bất kỳ sự dính mắc cũ nào hiện ra! Ngay khoảnh khắc này, nếu không thấy có mình,không thấy cái gì là mình,không thấy cái gì là của mìn, thì quý vị sẽ không tìm ra cái chỗ dính mắc nào được ngay khoảnh khắc Hiện Tiền này!

         Vì ngay cái khoảnh khắc không có mình, không có gì là mình, không có gì của mình. Mình không có, mình không có thì không có đối tượng nữa, không có ngã và không có pháp ngay nơi Hiện Tiền này, thành ra không có người dính và cái bị dính! Tuyệt đối không bao giờ có, cho nên quá khứ cũng không có, hiện tại không có và tương lai cũng không có. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ mình không có thoát ra cái ảo tưởng là mình ở đây!

         Nói gì thì nói chứ mình vẫn khăng khăng là “tôi ở đây à”! Nhưng nếu chúng ta nói là mình vẫn khăng khăng là tôi ở đây thì mình không có chịu đâu. Mình không chịu là mình khăng khăng “tôi ở đây”,  mình nghĩ là  mình cũng muốn bỏ cái ngã ghê gớm lắm , chứ tôi muốn thủ nó làm chi ! Nhưng thực sự “muốn bỏ” là bỏ được! Do vì mình chưa muốn bỏ cho nên mình bỏ không được! 

         Như hôm nay là ngày học ở đây đi, mình không muốn đi, rồi đổ thừa là bận công chuyện gấp lắm, bữa nay con mất một ngày tới chùa là công chuyệncon mất mát, rồi làm ăn bị thất bại. Như vậy đó, mình nhiều lý do đổ thừa lắm. Nhưng nếu đã muốn đi rồi thì chuyện gì cũng đạp bỏ để đi! 

         Cũng vậy, bây giờ mình không muốn bỏ cái bản ngã rồi đổ thừa đủ thứ, là nghiệp con nặng, con ít tu, con chưa có thiền định, con chưa có trí tuệ, chưa sẵn lòng, đủ thứ hết, cho nên… bỏ không được! Tại vì mình có muốn bỏ đâu!!! Chứ bỏ là buông cái rẹt, là mất tiêu mình liền, là chới với liền – đó là nếu mình muốn bỏ!

         Chứ không phải là mình dính mắc, vì không có cái gì dính được, đã nói từ sáng tới giờ là “không có chỗ nào dính được, không có chỗ nào để có thể dính được, và mình cũng không dính được cái chỗ nào, không có người để dính và không có vật bị dính!” Sự thật nó là như vậy! Nhưng mình vẫn ảo tưởng là mình dính cái này, ảo tưởng mình là cái kia, mình đang là như thế này, mình đang là như thế kia… Có nghĩa là mình chưa có chịu buông xuống! Bây giờ hãy thấy khác một chút thôi , gọi là thấy khác trước nay. Trước nay là mình thấy có “mình”. Mình thấy mình đang ngồi đây, mình thấy mình đang nghe giảng, mình thấy mình đang nhận hiểu, mình thấy mình đang nhận biết! Nhưng mà xin thưa rằng sự thật ở ngay nơi Hiện Tiền này là không có mình, cho nên không có người đang nghe, không có âm thanh bị nghe, không có nhận định, không có nhận hiểu, không có nhận biết cái gì… vậy mình có dám như vậy không? Dám hả? Còn gật đầu là còn nhận hiểu thì sao mà dám được! Kha kha kha! 

         Đã nói là không có nhận hiểu, không có nhận biết, không có nhận định, vậy mà hỏi dám không? Thì lại gật đầu! 

         Ngay cái khoảnh khắc này, nếu mình hoàn toàn không có hiểu thì mình gật đầu không có được đâu quý vị, quý vị sẽ cứng đơ liền y như trời trồng . Nếu ngay khoảnh khắc này mà mình thực sự không hiểu, mình không nhận định, không nhận biết, nghĩa là mình không có làm cái gì được luôn! Chúng ta không có cái lực để làm cái gì cho thân tâm này luôn! Ngay trong khoảnh khắc này chúng ta hoàn toàn không còn cái lực gì để động dụng của một mảy trần ở nơi tâm mình, không cónhận định thiệt luôn, không có nhận hiểu thiệt luôn, chứ còn có nhận định, nhận hiểu như bây giờ thì là chưa đâu!

         Mình còn muốn nhận định, nhận hiểu ở đây là mình còn muốn “duy trì” mình chứ chưa có muốn “mất” mình! Nghiêm túc lại đi, nghiêm túc lại để mình thấy là mình vừa nghe nói mà mình còn muốn hiểu tức là mình còn muốn “duy trì” cái bản ngã.

         Mình còn muốn “duy trì” bản ngã cho nên mình muốn hiểu, mình muốn biết, mình muốn nhận định, mình muốn nhận thức, và mình muốn làm cái gì… Đó chính là mình còn muốn duy trì cái mình! Bây giờ buông “cái gốc mình” ra thì tự động là không còn mình để muốn hiểu, muốn biết, muốn gì hết! Nói gì thì nói, nhưng ngay cái âm vang, ngay cái từ chữ đó … ngay đó nó là như thế chứ nó không có khác được.

         Cho nên nó không có hiểu, nó không có biết, nó không có nhận định, nó không có nhận thức, nó không có ghi nhận, nó không có khái niệm, nó không có khẳng định, không có phủ định gì ở đây. Ngay đây là không có mấy cái vụ này! Nếu mình còn muốn duy trì bản ngã thì mình nhận định, còn nhận thức, còn nhận hiểu là còn muốn duy trì bản ngã! Đây là cách để khi mình ngồi ở đây, hay mình đi, mình đứng, mình nằm, hoặc mình tọa thiền v.v. và vào những lúc mình ở riêng, thì mình sẽ buông hết mọi thứ xuống. Hoặc thậm chí khi mình lên giường nằm ngủ, mình sẽ buông hết mọi thứ xuống, và lúc đó mình thấy mình buông được cái thân. Khi đã buông được cái thân thì động một mảy tơ trên cơ thể cũng không được luôn. Đến khi mình buông cái tâm thì nó hoàn toàn không còn niệm nào nữa. Thực sự lúc đó nó không còn niệm, nó không còn động và nó bị khóa chặt, nó bị bất động một cách hết sức kỳ cục nếu mà chúng ta thực sự buông. Và khi mình buông hết thì mình không làm gì được ở thân tâm này liền, và lúc đó được xem là chúng ta “buông hết”! Khi đó mình không có làm gì được đâu, cũng không hiểu được đâu!

         Đừng có nói là mình không muốn hiểu. Lúc đó có muốn hiểu cũng không được!

         Cái khoảnh khắc mà mình “bất lực” với cái hiểu biết có nghĩa là âm vang, hình sắc vẫn nhận rõ trong lúc mình nằm mình nhắm mắt, mình vẫn nhận rõ mọi thứ nhưng mà mình không ghi nhận nó, mình không tiếp nhận nó, mình không thấy nó là đối tượng, mình không biết nó, không nhận hiểu, không nhận định nó. Mình cứ lặp đi lặp lại “nếu còn nhận hiểu là còn nhận định là còn duy trì bản ngã!” Cho nên lúc này là lúc không còn hiểu, không còn biết, không còn nhận định, không còn động dụng ở nơi thân tâm này… thì rõ ràng là cái khoảnh khắc xảy ra đó, thân tâm hoàn toàn bất động, không động dụng được. Thì cái khoảnh khắc đó rõ ràng là nó không dính gì tới thân tâm này, và cái khoảng mà chúng ta không dính tới thân tâm là cũng hoàn toàn không dính tới hoàn cảnh! 

         Vậy cái khoảnh khắc mà không dính thân, không dính tâm, không dính tới hoàn cảnh, tức là không có thân, không có tâm, không có hoàn cảnh đó thì khoảnh khắc đó được tạm gọi là vô dư y giải thoát!

         Cho nên trong Tinh Túy Bát Nhã nói: “Trong Không Tướng ấy, không có sắc”  tức là không có sắc thân tứ đại; không có thọ là không có cảm nhận; không có tưởng, hành, thức. Rồi tới  không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, không có nhãn giới cho tới không có ý thức giới. Không có tri thức, không có vô minh. Không có đoạn tận tri thức, cũng không có đoạn tận vô minh. Không có già chết và cũng không có đoạn tận già chết (tức là không có mười hai nhân duyên). Không có khổ, tập, diệt, đạo (tức là không có Tứ Đế).

         Bát Nhã nói tận cùng rồi. Trong đó thì không có! Tuy dùng cái từ trong đó nhưng phải hiểu ngay nơi Hiện Tiền là không có những cái thứ đó.

         Khi nghe  chữ trong đó  thì mình tưởng là ở trong đâu, ở trong chỗ nào . “Trong đó” tức là ngay nơi Hiện Tiền! Ngay nơi Hiện Tiền thì không có ngũ uẩn, mà không có ngũ uẩn thì không có lục căn, không có lục căn thì không có lục trần, không có lục trần thì không có lục thức, không có lục thức thì không có mười hai nhân duyên, không có Tứ Đế. Trong đó là “ngay nơi Hiện Tiền” chứ không phải là “trong cái Không Tướng, ” mà “ngay nơi Hiện Tiền” tức là “Không Tướng.” 

         Vậy “ngay nơi Hiện Tiền” tức là Bát Nhã, mà Bát Nhã Hiện Tiền tức là cảnh giới Không Tướng, mà cảnh giới Không Tướng thì không có ngũ uẩn, không có căn, không có trần, không có thức, không có mười hai nhân duyên, không có Tứ Đế, không có trí và không có đắc và… không có khó làm!!!  Tại mình muốn làm chúng sanh cho nên thành khó! 

         Mình muốn làm chúng sanh quá trời quá đất đi không có gỡ ra được! 

  

Trích Kinh Hoa Nghiêm buổi giảng 691 

         TT Thích Tuệ Hải

Bài viết liên quan